Nhớ Đà Lạt và cà phê

Trên các diễn đàn thông tin du lịch do du khách quốc tế từng đi Đà Lạt mở, nhiều người không ngại ngần thổ lộ: “Nhớ Đà Lạt và cà phê”.

Cà phê vỉa hè ở Đà Lạt gây nhung nhớ cho du khách nước ngoài lẫn trong nước. Ảnh: Gia Thịnh

Uống cà phê tại vùng đất thủ phủ cà phê Arabica khiến không chỉ du khách trong nước mà nước ngoài cũng nhung nhớ nếu đã từng một lần trải nghiệm. Ngày 15/9, Việt Nam chính thức mở lại một số đường bay quốc tế sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhiều du khách đã không giấu được sự hào hứng khi sắp được quay lại Đà Lạt để nhâm nhi những ly cà phê.

“Tôi đã không nghĩ là nó ngon tới vậy”

Ngoài những thương hiệu cà phê đặc sản (specialty) uy tín và chất lượng như Là Việt hay The Married Beans, thì những chiếc ghế lùn đủ màu xanh đỏ, những gương mặt hằn sâu vết thời gian ngồi lặng lẽ chiêm nghiệm về cuộc đời hoặc sôi nổi bàn về trận cầu tối qua ai ghi bàn thắng, những làn khói mờ ảo tỏa nhè nhẹ lên từ miệng ly cà phê,... đã thu hút bạn bè thế giới đến với Đà Lạt mộng mơ.

Trên website du lịch hàng đầu thế giới TripAdvisor, Matthew (người Anh) hào hứng kể lại trải nghiệm của mình rằng anh cực kì thích việc ngồi uống cà phê sáng ở quán cóc ven đường, nơi có những chiếc ghế gỗ cũ mòn hoặc ghế nhựa đủ màu được rải khắp nơi, xung quanh là những người dân địa phương đang chuyện trò rôm rả. Mỗi lần ngồi được tầm mười phút là anh phải duỗi chân ra vì quá tê, nhưng cảm giác lại vô cùng khác biệt và tràn đầy thích thú. Anh còn nói thêm: “Uống cà phê ở Đà Lạt sẽ mất đi phần lớn hương vị nếu bạn không được ngồi la liệt ngoài vỉa hè”.

Cà phê arabica đặc sản của Đà Lạt có tỉ lệ hái chín cao. Ảnh: Gia Thịnh

Phía dưới bài đăng của anh, có người còn đáp lại rằng: “Bạn chỉ thích uống cà phê sáng thôi ư? Còn tôi thì có thể uống cả ngày cùng họ, vì từ sáng tới đêm, tôi đều thấy họ đi uống cà phê và càng lúc càng đông hơn nữa kìa. Tôi đã thử dành hẳn một ngày để uống cà phê. Buổi sáng và chiều tại những quán cóc ven đường, trưa và tối tại những quán cà phê specialty, rồi tôi nhận ra cà phê Đà Lạt thật sự ngon, mỗi quán mỗi phong cách riêng và gần như ai cũng có “món tủ” để gây ấn tượng nên uống cả ngày cũng được”.

Tại Đà Lạt, cà phê không chỉ đơn thuần là một thức uống để giải khát, mà nó còn là niềm tự hào và cũng là giá trị truyền thống của người dân nơi đây. Trên một diễn đàn du lịch của người nước ngoài mang tên “Oattravel - Overseas Adventure Travel”, Diego (người Mỹ) hài hước kể rằng ở Đà Lạt anh bắt gặp những cách pha chế, biến tấu và kết hợp kỳ lạ mà chưa từng thấy ở bất cứ đâu dù đã dành nhiều năm để đi khám phá về cà phê ở rất nhiều nơi trên thế giới. “Tôi không hiểu nổi tại sao người ta lại nảy ra được cái ý tưởng kết hợp cà phê cùng với trứng sống. Nghĩ tới thôi là đã nổi da gà vì mùi tanh cứ thoang thoảng trong tưởng tượng của tôi!”. Nhưng khi được bạn bè thế giới hỏi vị của nó ra sao thì Diego lại khen nức nở: “Ôi lạy Chúa, tôi đã không nghĩ là nó ngon tới vậy! Nó khá ngọt, đậm đà vị cà phê pha với chút bùi bùi béo ngậy đặc trưng của trứng, thơm chứ không hề tanh như tôi nghĩ, và có một lớp kem bông mịn. Nói chung là tuyệt!”.

Không chỉ dừng lại ở đó, anh còn giới thiệu thêm cho bạn bè thế giới về những loại cà phê độc đáo anh từng được thử qua tại Đà Lạt như cà phê chồn - đắng nhưng dễ chịu, cà phê vợt - vị đậm đà tan chảy nơi đầu lưỡi, cà phê sữa dừa - thơm béo, sinh tố cà phê - lạ miệng khi đem cà phê kết hợp với chuối hoặc bơ,...


Nhiều du khách quốc tế mê cà phê Đà Lạt tìm về tận vùng Cầu Đất để chứng kiến toàn bộ quá trình sản xuất. Ảnh: Gia Thịnh

Cà phê Đà Lạt ngon

Mang hương vị cà phê Đà Lạt độc đáo đến cho du khách nước ngoài không chỉ có các quán cà phê mà còn có sự góp phần của người dân địa phương. Theo lời kể dí dỏm của Hữu Anh (28 tuổi, người Đà Lạt, kinh doanh homestay): “Lần nọ, nhà mình có một đoàn khách Tây sáu đến bảy người đến ở lại vài hôm, thấy ba mẹ mình có để hai gói cà phê Là Việt loại pha phin trên đầu tủ thì họ hỏi về chúng. Ba mẹ mình nghe không hiểu mấy nhưng biết là các bạn có ý muốn uống thử nên đã pha cho cả nhóm. Và cái kết, nhóm khách uống quá nhanh làm ba mẹ không kịp pha… Họ nói cà phê của Đà Lạt ngon hơn cà phê ở những nơi khác họ từng uống”. Emma (người Tây Ban Nha), một người trong nhóm khách thốt lên vỏn vẹn hai câu khi vừa hớp ngụm đầu tiên: “Cà phê Đà Lạt? Ồ mạnh dữ!”, trong khi đó Jorge (người Mexico) thì cười sằng sặc: “Nặng đô giống như đang uống một lần mười ly espresso vậy, tôi có thể thêm đá vào không?”.


Các chuyên gia cà phê đánh giá hương vị cà phê arabica của nông dân Đà Lạt tại cuộc thi do các hãng cà phê uy tín trên thế giới phối hợp cùng Công ty Là Việt tổ chức. Ảnh: Gia Thịnh


Gabriel (người Đan Mạch) cũng từng có màn tương tác đầy thú vị với người dân địa phương khiến anh nhớ mãi không quên. Anh viết trên trang mạng xã hội chuyên về du lịch “Couchsurfing - Meet and Stay with Locals All Over the World” kể lại toàn bộ chuyến ghé thăm Đà Lạt của mình, trong đó có đoạn: “Lần đầu uống cà phê tại một quán cóc ven đường, cô chủ quán hóm hỉnh đưa tôi cả lon sữa đặc. Rồi tôi cứ thế mà dốc xuống ly cà phê nóng của mình. Và lạy Chúa, sữa trào ra từ cả hai cái lỗ! Tôi chả hiểu tại sao lại có tận hai cái lỗ trên lon sữa đó. Sau này tôi mới biết là để sữa chảy ra cho nhanh”.

Văn hóa cà phê vỉa hè tại Đà Lạt vô cùng đặc sắc, nhưng con đường phát triển cà phê đặc sản mới giúp chúng ta trở nên độc lập, ngang hàng với những quốc gia làm cà phê nổi tiếng toàn cầu. Nhiều ý kiến cho rằng, nhờ Arabica, thương hiệu cà phê đặc sản Đà Lạt mới có cơ hội từng bước khẳng định mình trên trường quốc tế. Tỉnh Lâm Đồng cũng đang xây dựng chỗ đứng cho cà phê Arabica đặc sản trong chương trình “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.


Cà phê “Dalat Blend” có xuất xứ từ Đà Lạt được bán tại hơn 21.500 cửa hàng của Starbucks (Mỹ)


Ở độ cao trên 1.500 m so với mặt nước biển, lại nằm ở vành đai cà phê có ưu thế cùng khí hậu ôn đới mát mẻ quanh năm, được thiên nhiên ban cho diện tích đất đỏ bazan trù phú, nhiệt độ từ 10 đến 33 độ C, Đà Lạt và huyện Lạc Dương (địa phương lân cận Đà Lạt) được xem là vùng lý tưởng nhất cho giống cà phê Arabica phát triển. Và hiện nay Đà Lạt đang là địa phương sở hữu vùng đất có cây cà phê Arabica chất lượng cao nhất Việt Nam, cũng nhờ đó nơi này cho ra được những ly cà phê specialty (cà phê đặc sản) đạt chất lượng cao nhất, khẳng định thương hiệu cà phê đặc sản Đà Lạt trên thị trường trong nước lẫn thế giới.


DALAT BLEND

Những năm gần đây, cà phê Đà Lạt liên tục nhận được những tín hiệu tích cực từ thế giới. Năm 2014, một công ty sản xuất cà phê và cung ứng cho nhiều thương hiệu lớn trên thế giới mang tên Là Việt đã gửi mẫu Arabica blend đến Hiệp hội Cà phê Mỹ kiểm tra chất lượng, kết quả đạt 80,3 điểm. Năm 2015, cà phê Arabica Đà Lạt đã được hãng Starbucks (Mỹ) công nhận là một trong bảy loại cà phê ngon nhất thế giới. Họ bán dòng cà phê này với tên gọi “Dalat Blend” tại hơn 21.500 cửa hàng trên toàn cầu và được xếp vào dòng sản phẩm cao cấp. Thông qua các chương trình xúc tiến thương mại và hợp tác xuất khẩu, cà phê Arabica Đà Lạt đã có mặt chính thức tại Nhật, Úc, Ấn Độ, Mỹ,… Cà phê Arabica nguyên liệu hiện đang được những nhà nhập khẩu từ Mỹ, châu Âu công nhận chất lượng và đánh giá cao mặc dù sản lượng còn khiêm tốn.


TRÂM ANH
Theo http://baolamdong.vn/

Top