Thông tin du lịch

(LĐ online) - Đà Lạt lập đông, không chỉ có sắc vàng rực của hoa dã quỳ trải khắp mọi cung đường, thung lũng mà Đà Lạt còn khiến người ta ngơ ngẩn bởi mùa cỏ hồng đẹp đến nao lòng. Đây cũng là lúc các du khách gần xa tìm về Đà Lạt để check in và lưu lại những khoảnh khắc đẹp.

Mùa cỏ hồng Đà Lạt bắt đầu từ cuối tháng 11

 

Người dân Đà Lạt và du khách gọi là cỏ hồng vì chúng sở hữu màu hồng pha tím. Cỏ hồng là một loại cỏ mọc dại tại Đà Lạt, thuộc nhóm lá kim, thường mọc thành từng bụi nhỏ với phần thân và lá mỏng manh. Cỏ hồng mọc ven theo các triền đồi, rừng thông hoặc sát bên hồ. Phong cảnh hòa quyện vào nhau tạo nên bức tranh thiên nhiên thơ mộng, đẹp lãng mạn.

Những triền cỏ mọc tự nhiên mịn như thảm trong nắng sớm

Cỏ hồng lung linh trong sương

 

Từ khoảng cuối tháng 11 hằng năm, trời Đà Lạt lập đông, cỏ nở hoa màu hồng mềm mại, hơi ngả màu hồng tím. Tương tự như hoa dã quỳ, cỏ hồng Đà Lạt chỉ xuất hiện duy nhất một lần trong năm là khoảng từ đầu tháng 11 cho đến cuối tháng 12 và thời điểm đẹp nhất là khoảng 2 tuần cuối của tháng 11.

Bức tranh thiên nhiên đẹp đến nao lòng

Du khánh tìm về check in cùng cỏ hồng Đà Lạt

 

Nguồn: https://baolamdong.vn/

Tác giả: DIỄM THƯƠNG - SANG DL 

(LĐ online) - Đà Lạt mưa bay. Ngọn gió len lén qua những góc phố. Không gian trầm mặc, sang trọng. Những bước chân nhàn du không ríu vào nhau...

(LĐ online) - Đà Lạt mưa bay. Ngọn gió len lén qua những góc phố. Không gian trầm mặc, sang trọng. Những bước chân nhàn du không ríu vào nhau. Chiều nay tôi trở về Đà Lạt, chọn quán cà phê tĩnh lặng để ngắm thành phố trong mưa, tìm bước chân quen ngang phố, để được ngồi lặng lẽ giữa không gian lặng lẽ bên tiếng tí tách cà phê rơi.

 

Thời gian ngái ngủ bên những khung cửa. Chủ quán đổi bản sonate “Ánh trăng” của Beethoven khi chiều vẫn nhạt nhòa. Có thể nói, thú ngồi cà phê là nét văn hóa tự nhiên của người Đà Lạt. Quán cà phê phố núi luôn được tạo tác những góc nhỏ lặng lẽ. Lặng, nhưng không cô đơn. Ở đó, người ta có thể ngược miền ký ức, ghép nối những hoài niệm.

Nhiều người bảo, Đà Lạt mưa nhiều, nhưng Đà Lạt đẹp cả trong mưa. Vẻ đẹp mà chỉ những người sống ở phố núi và yêu thành phố này mới cảm được. Phải ở Đà Lạt mới biết cái thú lang thang, dạo chơi trong mưa. Những hạt mưa bụi lấm chấm vừa đủ vương lên tóc, vừa đủ để gần nhau, phảng phất khoái cảm.

Phố núi chầm chậm trong mưa. Giọt cà phê đã quặn sánh. Tôi lần vội ký ức… Đà Lạt có “công năng gốc” ngay khi hình thành là thành phố nghỉ mát. Kiến trúc sư tài danh Ngô Viết Thụ từng nói, ở Đà Lạt, nhà không thấy trọn, núi không thấy trọn, cảnh luôn ảo huyền. Thiên nhiên ấy phảng phất như nét vẽ thủy mặc, nét kiêu sa của nghệ thuật Á Đông. Mát lạnh, không khí tinh khiết và không gian e lệ… những thứ ấy là tài nguyên hiếm hoi mà Đà Lạt sở hữu. Chúng không thể thiếu nhau. Hợp làm một, chúng tạo nên độ tiện nghi, sự cảm khoái thể xác, mà không một hệ thống công nghệ cao nào có thể tạo nên.

Đà Lạt từ thưở xưa, đã mang hình ảnh của đô thị vườn và vườn lẫn vào phố. Những cung đường uốn lượn, những khu vườn bao quanh phố xá, bao bọc những nếp nhà bình yên. Hai tiếng Đà Lạt đã ăn sâu vào tâm thức và là niềm tự hào không chỉ của người dân miền đất bazan; một vùng khí hậu ôn đới, nơi nghỉ dưỡng thanh khiết, đem lại sự yên tĩnh cho tâm hồn. GS.TS. Kiến trúc sư Bruno De Meulder (Vương quốc Bỉ), từng nói: “Nhắc đến Đà Lạt, người Việt Nam ai cũng nôn nao. Bởi trong họ, Đà Lạt không chỉ là một đô thị mà còn là một tâm tưởng, có khi là một hoài niệm, có khi là một cảm giác sống tinh khôi, tươi mát mà thâm trầm. Sống ở đây là một trải nghiệm khác thường…”.

Ở những phố thị khác, muốn tìm một không gian uyển chuyển tự nhiên và “buồn sang trọng” như Đà Lạt thật khó. KTS Hoàng Đạo Kính đã “chiết xuất” cho Đà Lạt những ngôn từ khó lẫn: “Rừng thông và kiến trúc những căn biệt thự cổ xinh đẹp nhưng không bao giờ lạc thời đã sinh ra nỗi buồn “đặc sản”, là “linh hồn” của Đà Lạt. Hai thực thể vật chất ấy không phải là giá trị gia tăng mà chính là giá trị cơ bản của xứ sở này. Đó là nỗi buồn sang trọng được cấu thành từ cuộc hôn phối giữa thiên nhiên và sự kiến tạo của con người”.

Đến Đà Lạt, có lẽ mọi người đều quyện hòa theo cách sống nơi đây. Từ nhịp bước chân của người dạo chơi, từ cách nói năng, cử chỉ… đến “kiểu” ngồi cà phê, gọi tính tiền trong quán xá đều diễn ra chầm chậm. Chậm nhưng không trễ nải, đó là cái riêng của người Đà Lạt. Môi trường sống Đà Lạt trong lành, tĩnh lặng; nhịp sống không xô bồ, khẩn trương như các thành phố khác. Môi trường ấy làm cho con người thanh tịnh, khoan thai. Cũng là đời nông phu, nhưng nông dân Đà Lạt luôn toát lên nét tự tại, ung dung như họ chưa từng lam lũ bao giờ. Du khách đi tìm những phút giây tĩnh lặng, vẻ đẹp của sự nghỉ ngơi, thư thái, để được lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ; còn với người Đà Lạt đã là nơi sẵn có.

Đà Lạt đã bước qua tuổi 128. Từ rất lâu, nhiều người đã phác họa tương lai xứ sở này sẽ trở thành “thủ đô mùa hè” cho những ai muốn tận hưởng sự dịu ngọt, muốn thấy thời gian chầm chậm trôi… Đà Lạt, miền đất khí hậu mát mẻ quanh năm, được ví là vườn “bách thảo kỳ hoa”. Khí hậu, hoa quyện hòa nét duyên “đôi má hồng đào” của thiếu nữ đã tự nhiên níu chân nhiều người về với Đà Lạt.

Ngoài phố mưa bay. Vẫn bản tình ca xưa, vẫn góc quen quán cũ, nhâm nhi tách cà phê đen như địa ngục và ngọt ngào như tình yêu, bên ô cửa, phố núi nhạt nhòa…

 

Nguồn: https://baolamdong.vn/

(LĐ online) - Để giúp du khách có thêm trải nghiệm về đêm hoàn toàn mới lạ và độc đáo, Công ty CP Du lịch Thành Thành Công (TTC Hospitality), thành viên Tập đoàn TTC dự kiến sẽ ra mắt công trình Vườn ánh sáng vào cuối tháng 11/2023 tại Khu du lịch Thung lũng Tình yêu, TP Đà Lạt.

Vườn ánh sáng tại Thung lũng Tình yêu bao gồm 22 tác phẩm ánh sáng khổng lồ, cao đến 10 m và được đầu tư bằng hệ thống đèn LED công nghệ cao
Khu du lịch Thung lũng Tình yêu được biết đến là một trong những điểm du lịch hấp dẫn tại Đà Lạt với gần 50 hạng mục cảnh quan được đầu tư bài bản, hệ thống nhà hàng, food court… giữa không gian thiên nhiên lãng mạn đặc trưng của thành phố sương mù. Để giúp du khách có thêm trải nghiệm về đêm hoàn toàn mới lạ và độc đáo, Thung lũng Tình yêu đã đầu tư công trình Vườn ánh sáng cực kỳ hấp dẫn.

Vườn ánh sáng tại Thung lũng Tình yêu bao gồm 22 tác phẩm ánh sáng khổng lồ, cao đến 10 m và được đầu tư bằng hệ thống đèn LED công nghệ cao. Đến đây, du khách như bước vào một thế giới ánh sáng đầy màu sắc và phép thuật với những trải nghiệm thị giác tuyệt vời.

Vườn ánh sáng sẽ được chia thành các khu vực chính gồm khu vực công trình nổi tiếng thế giới, khu vườn tình yêu, khu vườn thần tiên, khu vực thế giới khổng lồ và nhiều hạng mục hấp dẫn khác
Vườn ánh sáng sẽ được chia thành các khu vực chính gồm khu vực công trình nổi tiếng thế giới như Tháp Eiffel, tượng Nữ thần Tự do, Cầu Luân Đôn; Khu vườn tình yêu với các tác phẩm như Con đường tình yêu và Bán nguyệt; Khu vườn thần tiên với các mô hình Đôi cánh thiên thần, Cổng thần tiên, Tulip rực rỡ và khu vực thế giới khổng lồ như Thế giới thủy cung, Lâu đài Disneyland, Ngôi làng hoạt hình… cùng nhiều hạng mục khác.

Theo ông Đặng Huỳnh Anh Tuấn - Thành viên HĐQT Tập đoàn TTC, trên nền tảng tôn trọng thiên nhiên, bảo tồn bản sắc văn hóa sẵn có, Đà Lạt không chỉ là thị trường tiềm năng của ngành Du lịch TTC với các điểm đến hiện hữu như Thung lũng Tình yêu, khách sạn TTC Ngọc Lan, khách sạn TTC Đà Lạt, mà đây còn là nơi mà Tập đoàn TTC đặt nhiều tâm huyết để đồng hành cùng địa phương phát triển.

“Thung lũng Tình yêu hàng năm đều thu hút lượng khách lớn trong và ngoài nước đến tham quan và trải nghiệm, chính vì vậy Tập đoàn TTC đã chú trọng đầu tư nhiều hạng mục. Công trình Vườn Ánh Sáng này không chỉ dừng lại ở việc tăng cơ hội kinh doanh cho khu du lịch mà TTC còn đặt kỳ vọng sẽ trở thành một điểm đến độc đáo, có thể tạo ra sự thay đổi tích cực cho kinh tế đêm của thành phố Đà Lạt”, ông Đặng Huỳnh Anh Tuấn cho biết thêm.

Vườn ánh sáng sẽ là không gian nghệ thuật tuyệt vời kết hợp hiệu ứng ánh sáng độc đáo
Theo định hướng, thành phố Đà Lạt sẽ triển khai nhiều mô hình thí điểm phát triển kinh tế đêm như: Công viên nhạc nước; Phố ẩm thực; Phố đi bộ; Chợ đêm… nhằm mở rộng các loại hình tham quan, mua sắm, giải trí, mới lạ vào ban đêm cho thành phố. Vườn ánh sáng tại Thung lũng Tình yêu khi ra mắt hứa hẹn sẽ góp phần tác động tích cực vào việc thay đổi diện mạo về đêm của Đà Lạt cũng như giảm áp lực giao thông tại khu vực trung tâm và mang đến cho du khách những trải nghiệm mới lạ khi đến với thành phố sương mù.

Mới đây, tháng 9/2023 tại Thung lũng Tình yêu, cầu kính Ngàn Thông với công nghệ 7D cũng đã chính thức đi vào hoạt động, góp phần mang đến những trải nghiệm dịch vụ đa dạng hơn cho du khách trong và ngoài nước.

 

Tác giả: PV

Nguồn: https://baolamdong.vn/

(LĐ online) - Nhiều bức tường taluy trên địa bàn TP Đà Lạt được tô điểm tranh bích hoạ sinh động, hấp dẫn nhằm chào mừng 130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển (1893 - 2023).

Tại bờ tường taluy dài 44m, cao hơn 2m trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Phường 1, TP Đà Lạt) hoạ sỹ Nguyễn Đình Huy cho biết anh hoàn thành bức tường bích hoạ trong khoảng 7 ngày nếu thời tiết nắng đẹp. Hiện bức tường đã hoàn thành khoảng 80%. Kinh phí triển khai do Tổ dân phố 6, Phường 1 thực hiện thông qua vận động doanh nghiệp, người dân đóng góp

Các tác phẩm bích hoạ danh lam thắng cảnh, công trình kiến trúc biểu tượng đẹp của Đà Lạt như: Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, Ga Đà Lạt, Nhà thờ Con Gà, hồ Xuân Hương… giúp đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, nằm trong khu vực trung tâm thành phố thêm nổi bật, hấp dẫn
Theo Phòng văn hoá Thông tin TP Đà Lạt, nhằm chào mừng 130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển, thành phố ngoài tổ chức các chương trình chính và chương trình hưởng ứng, các phường, xã còn đăng ký thực hiện nhiều công trình chào mừng sự kiện quan trọng của thành phố; trong đó, có các công trình bích hoạ trên tường taluy.

Hiện nay, TP Đà Lạt có rất nhiều con đường có bờ taluy được được vẽ tranh nghệ thuật. Nhiều người dân và du khách cho biết các bức tranh bích hoạ trên các con đường chính, kể cả các hẻm nhỏ đã tô đẹp cho phố phường, góp phần tạo diện mạo, mỹ quan đô thị cho thành phố
Với các bờ tường taluy trên các con đường được vẽ bích hoạ, các địa phương khi triển khai đều được đơn vị chức năng duyệt trước khi vẽ. Kinh phí thực hiện 100% theo hình thức xã hội hoá do hệ thống chính trị phường, xã vận động doanh nghiệp, người dân đóng góp.

 

Tác giả: CHÍNH THÀNH

Nguồn: https://baolamdong.vn/

 

Chào mừng 130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển, Vườn hoa TP Đà Lạt (số 2, Trần Nhân Tông, Phường 8) diễn ra nhiều hoạt động hưởng ứng trong tuần cuối cùng tháng 12/2023, góp phần thu hút hơn nửa triệu khách tham quan theo kế hoạch cả năm 2023. 


Trong đó Vườn hoa TP Đà Lạt được chọn là địa điểm tổ chức 2 chương trình trọng tâm gồm: Hội thi Sắc màu hoa lan năm 2023 thu hút hơn 100 tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng tham gia với hơn 300 tác phẩm hoa lan; Hội thi Tiểu cảnh đẹp với khoảng 20 tổ chức, cá nhân tham gia 20 tiểu cảnh hoa, cây kiểng sắp đặt theo từng chủ đề, bố cục khác nhau.

Tính đến ngày 22/10/2023, mọi phần việc chuẩn bị cho ngày hội 130 năm TP Đà Lạt hình thành và phát triển đang khẩn trương hoàn thành ở những công đoạn cuối cùng. Phóng viên trải nghiệm từ bên phải đi vào cánh cổng Vườn hoa TP Đà Lạt bắt gặp đầu tiên những cội cây hoa sim Úc hơn 15 năm tuổi nở hoa tím thắm sắc mỗi ngày. Cánh hoa dày, xếp chồng lên nhau, phủ đều màu tím trên tán lá rộng trên dưới 2 m. Thời điểm đang dần về cuối thu, kỹ thuật viên của Vườn hoa đã thực hành các giải pháp cho hoa tím Úc nở rộ như cây đặc hữu của TP Đà Lạt; các mùa xuân, hạ, đông còn lại vẫn chăm sóc từng chùm hoa nở nối tiếp sắc tím mỗi ngày cho du khách thưởng ngoạn.

Đặc biệt, bên hàng cây sim tím Úc đã “thuần Việt” dưới tán thông Đà Lạt mát rượi của Vườn hoa là tiểu cảnh hoa ngọc thảo biểu tượng quần đảo Trường Sa. Cột mốc của 21 đảo là 21 tảng đá nho nhỏ được đưa về từ quần đảo Trường Sa. Tiểu cảnh hoa ngọc thảo chào mừng 130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển được trồng mới với 2 màu hoa vàng ngôi sao và màu đỏ của lá cờ Tổ quốc. Trước đó 2 tháng là màu vàng và màu đỏ của hoa trạng nguyên.

Bước lên phía trên khu vườn hàng chục bức tượng điêu khắc là lối đi bên những hàng hoa sim, ánh hồng, quỳnh anh, kim châm, tuyết cầu, thanh anh tím, đỗ quyên, cẩm tú cầu, hoa ngọc thảo hồng, cánh sen, trắng, cam, phối cảnh gần chục mô hình trái tim hoa đa sắc hương. Quay trở lại vài chục mét chạm bước chân đến từng “nấc thang tình yêu” lên cầu vọng cảnh bao quát không gian xanh, rực rỡ sắc màu muôn hoa thay thế mới chuẩn bị chào đón 130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển.

Đối diện với cây cầu vọng cảnh là khu nuôi trồng, trưng bày hàng chục loài phong lan với hàng ngàn chậu bung hoa kéo dài từ gốc đến ngọn, phô diễn lộng lẫy các sắc màu xanh, đỏ, tím, vàng. Người quản lý vườn hoa phong lan Thanh Trúc ở đây nói rằng, vườn hoa phong lan đón tiếp khá đông lượng khách mỗi ngày không chỉ được tìm hiểu nguồn gốc, quá trình sinh trưởng, kỹ thuật chăm sóc, mà còn chọn mua về làm quà đặc sản lưu niệm cho một chuyến đi. Ở phía bên này của vườn thương hội hoa lan là khu vực trồng và chăm sóc hàng trăm giống hoa hồng đặc sắc, trong đó đặc sắc nhất là hoa hồng Pháp, hồng tường vi, hồng Sapa, tỷ muội, hồng mẫu đơn... đang được cắt cành, tỉa tán cho cây bung nụ hoa mới, tỏa sắc hương đúng dịp lễ hội 130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển...

Anh Trần Hoài Ẩn - Trưởng Ban Quản lý Vườn hoa TP Đà Lạt cho biết, tổng diện tích của Vườn hoa đến nay khoảng 12 ha và phần lớn với hơn 100 loài hoa chủ lực khác nhau. Trong đó gồm hàng chục loại hoa định canh lâu năm ở Đà Lạt như cẩm tú cầu, tường vi, lay ơn, thủy tiên, ngũ sắc… Và những cây hoa mới du nhập về Đà Lạt những năm gần đây như: hoa hồng, phi yến, dạ yến thảo châu Âu; hoa chuông Nhật Bản… Riêng Vườn hoa TP Đà Lạt đã sưu tập 6.000 cây kiểng, hoa bonsai lá kim các loại quý hiếm, sắp đặt mới trong không gian hàng trăm mét vuông cho khách thưởng ngoạn.

“Chào mừng 130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển, Vườn hoa TP Đà Lạt đã và đang hoàn thành các không gian đa sắc hoa mới lạ với 60% giống hoa nhập khẩu và 40% giống hoa sản xuất tại chỗ. Trong đó đã thiết kế trồng mới 50 tiểu cảnh chuyên đề các loài hoa nhập khẩu như dạ yến thảo, ngọc thảo trắng, hồng, đỏ, tím; phong lữ đỏ, hồng; xác pháo, cúc họa mi, nữ hoàng xanh… Và tái canh các loại hoa đã trở thành đặc hữu Đà Lạt như cẩm tú cầu, mai xanh, thiên điểu, đỗ quyên trắng, hồng, đỏ… ”, Trưởng Ban Trần Hoài Ẩn cho biết thêm.

Trước khi kết thúc một buổi sáng trải nghiệm, phóng viên cũng kịp dừng lại ở các tiểu cảnh khu vườn minh họa, cây kiểng minh họa các câu chuyện cổ tích Việt Nam; khu vực sân khấu biểu diễn văn hóa nghệ thuật, phục vụ sinh hoạt cộng đồng; khu vực quảng trường chính hội tụ đa sắc màu hoa phong lan, địa lan đặc trưng của TP Đà Lạt nói riêng, tỉnh Lâm Đồng nói chung. Đặc biệt, được chiêm ngưỡng cung đường tranh dài 200 m, cao hơn 2 m, thu nhỏ các công trình di sản kiến trúc của TP Đà Lạt 130 năm hình thành và phát triển.

Với những công trình thiết kế mới vừa nêu, du khách đến Vườn hoa TP Đà Lạt vào dịp cuối năm 2023 tiếp tục được trải nghiệm những không gian mới lạ, lôi cuốn và thu nhận về những thông tin hữu ích cho một chuyến lữ hành.

 

Tác giả : Văn Việt

Nguồn: https://baolamdong.vn/

Nấm rừng là một loại đặc sản quý bởi giá trị dinh dưỡng, dược dưỡng và mùi vị thơm ngon, dai giòn, có thể chế biến nhiều loại món ăn... Bất kể là rừng nào đều có nấm, phổ biến như nấm mọc trong rừng tràm, nấm rừng dẻ, rừng tùng, rừng thông…

“Đô thị di sản” là một khái niệm mới ở Việt Nam. Dù Luật Di sản văn hóa chưa từng đề cập, nhưng từ lâu khi nói đến vấn đề này, người ta thường nghĩ đến những đô thị được bảo tồn một cách có hệ thống các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể ghi nhận sự nhắc nhớ sâu sắc về lịch sử.


Giá trị và sức hút của sản vật Tây Nguyên là hiển nhiên, điều không cần phải bàn cãi. Tuy thế, khai thác được những tiềm năng ấy cho thật hiệu quả, để một mặt nâng cao giá trị kinh tế của sản vật Tây Nguyên, mặt khác tạo ra loại hình văn hóa ẩm thực bản địa độc đáo phục vụ du khách, lại rất cần sự tiếp sức phù hợp.

Mặc dù, khách du lịch đến Lâm Đồng hầu như chỉ có các hoạt động du lịch ở Đà Lạt; nhưng, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, không khí thoáng đãng và những điều thú vị từ văn hóa, con người, di sản... thì có lẽ ở đâu trên địa phận tỉnh Lâm Đồng cũng có những địa chỉ có thể níu chân du khách.

Hiện nay, mỗi ngày, Lâm Đồng có khoảng 2.000 - 2.500 khách lưu trú. Vì tình hình dịch bệnh phức tạp, nên cần có giải pháp tổ chức các hoạt động du lịch hay hỗ trợ du lịch trong giai đoạn khó khăn này.

Các biệt thự cổ ở Đà Lạt có nghệ thuật thẩm mỹ hiện đại, với những gian phòng có tầm nhìn rộng, thường hướng ra cảnh quan thị giác đô thị. Từ những ô cửa, có thể ngắm nhìn các công trình kiến trúc nghệ thuật, phong cảnh và nhịp sống phố núi.

Top