Dựa vào thiên nhiên phát triển du lịch bền vững

Có mặt trong Thương hiệu Quốc gia năm 2020, Dalat Tourist (Công ty CP Du lịch Lâm Đồng) đã gây bất ngờ bởi đây là thương hiệu có xuất phát địa phương. Và đêm 25-11, Dalat Tourist đã được công nhận là Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Dalat Tourist cùng với sản phẩm của mình vinh dự nằm trong nhóm 283 sản phẩm đến từ 124 doanh nghiệp tạo nên doanh thu lên tới 1,4 triệu tỉ đồng trong năm 2020.

Dalat Tourist từng là đơn vị kinh doanh thuộc sở hữu Nhà nước được thành lập năm 1976. Đây là công ty du lịch lâu đời nhất tại Lâm Đồng nhưng để nói về việc xây dựng thương hiệu, sản phẩm du lịch thì phải kể đến 5 năm trở lại đây - sau khi cổ phần hoá, tham gia cạnh tranh thị trường. 5 năm là quãng thời gian quá ngắn để xây dựng thương hiệu địa phương thành thương hiệu quốc gia. Ông Nguyễn Nhật Vũ, Phó Tổng Giám đốc Dalat Tourist, chia sẻ: “Thực sự không dễ dàng gì nhưng chúng tôi làm được bởi cách xây dựng sản phẩm du lịch dựa vào nền tảng thiên nhiên hướng đến sự bền vững”. LĐ online đã có cuộc trao đổi cùng ông Nguyễn Nhật Vũ về câu chuyện tương tác giữa sản phẩm du lịch và “tài nguyên thiên nhiên”.


Ông Nguyễn Nhật Vũ, Phó tổng giám đốc Dalat Tourist. Ảnh: ĐỨC THỌ

Lấy thiên nhiên làm nền tảng

LĐ online: Trong nội dung thuyết minh gửi đến Ban tổ chức Thương hiệu Quốc gia 2020, công ty đã nhắc đến việc chú trọng phát triển “sản phẩm du lịch giải trí gắn với khám phá tài nguyên du lịch thiên nhiên và văn hóa Đà Lạt”. Nội dung “tài nguyên thiên nhiên” gợi đến việc “hái ra tiền” từ sự ưu ái của tạo hoá, thưa ông?

Ông Nguyễn Nhật Vũ: Từ khi thành lập vào những năm cuối của thập niên 70 (thế kỷ XX), Dalat Tourist đã có thế mạnh rất lớn khi sở hữu gần như toàn bộ danh thắng của Đà Lạt. Những núi Langbiang, thác Datanla, đồi Robin,…đều là danh thắng và nằm ở những vị trí thuận lợi bậc nhất để làm du lịch. Chúng tôi nhìn nhận đây là tài nguyên thiên nhiên. Nhưng, tầm nhìn của doanh nghiệp là phải lấy cái nền của thiên nhiên, tận dụng lợi thế bản địa để xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp với thị trường. Chúng tôi không bán một cái vé để du khách đi tham quan danh thắng rồi… thôi mà cung cấp đến du khách một loạt trải nghiệm bên trong danh thắng được hình thành từ bàn tay kỳ diệu của tạo hoá. Khi đóng gói những sản phẩm du lịch đưa ra thị trường, chúng tôi dự hỏi nó đã đi đúng định hướng của doanh nghiệp: “thiên nhiên là nền tảng, con người làm nên giá trị”, hay chưa?

Thực tế chúng tôi đã bám sát vào tôn chỉ để thiên nhiên hỗ trợ cho hành trình phát triển. Như Thác Datanla được được đầu tư trở thành một nơi không chỉ ngắm cảnh, ngắm thác mà trở thành một điểm du lịch khác biệt nhất ở Việt Nam với các sản phẩm du lịch gắn với thể thao – mạo hiểm: Hành trình trên cao (High Rope Course); Thử thách vượt thác Datanla (Datanla Canyoning); Trượt ống với chiều dài đường ống 2,3km, dài nhất Đông Nam Á… Núi Langbiang được xây dựng trở thành điểm du lịch dã ngoại, trải nghiệm văn hoá gắn với người K’Ho; Đồi Robin là nơi kinh doanh dịch vụ du lịch gắn với lữ hành, nơi đó đã trở thành điểm kết nối giữa vùng du lịch trung tâm Đà Lạt và Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm.

Nói dông dài về các sản phẩm du lịch là để nhấn mạnh rằng các sản phẩm này đều có sự “hỗ trợ” đắc lực từ địa hình đồi – thung lũng, rừng thông, rừng nguyên sinh và khí hậu mát lạnh của Đà Lạt. Giữa sản phẩm mới và thiên nhiên tương tác để tôn lên sự hấp dẫn của nhau. Ví dụ, High Rope Course sẽ là sản phẩm thiếu hấp dẫn, không thể cạnh tranh được với sản phẩm du lịch tương tự ở một số nước khác trong khu vực nếu nó không nằm trong rừng thông Đà Lạt. Người chơi mất nhiều giờ để vừa vận động trên cao, băng qua các thung lũng sâu bên dưới là rừng thông và vừa chơi vừa ngắm cảnh.

Khi xây dựng các sản phẩm hiện đại phục vụ cho các trò chơi vận động, mạo hiểm như nói trên trong rừng, chúng tôi không đóng một cây đinh lên thân cây và toàn bộ cây đều được kiểm tra sức khỏe hàng năm.

LĐ online: Nhiều du khách nói Đà Lạt là nơi để…“chill”, với nhóm khách lớn thuộc về quá vãng họ bảo giữ thiên nhiên thật nguyên sơ đã là một cách khai thác du lịch, ông nghĩ sao về ý kiến này?

Ông Nguyễn Nhật Vũ: Đà Lạt là vùng đất rất cảm xúc và nhạy cảm. Chạm vào từng cái cây, từng ngôi nhà, từng con thác nhỏ lớn đều tạo nên cảm xúc với du khách nói riêng và xã hội nói chung. Với góc nhìn người làm du lịch chúng tôi hiểu nếu không bảo tồn thiên nhiên, cảnh quan thì sẽ làm giảm đi độ hấp dẫn, tính đặc trưng, địa phương của các sản phẩm du lịch đã xây dựng dựa trên nền tảng thiên nhiên. Chúng tôi hay nói đến “khai thác thiên nhiên”, nội dung là khai thác những giá trị vô hình nhằm làm thỏa mãn du khách đến Đà Lạt tham quan, nghỉ dưỡng và trải nghiệm thể thao. Hiển nhiên nội dung rất khác với khai thác các giá trị hữu hình như khai khoáng, lâm sản… Chính sự đặc biệt trong cách khai thác thiên nhiên nên Đà Lạt có hơn 7 triệu lượt khách du lịch/năm thì chúng tôi có 5 triệu lượt khách/năm sử dụng dịch vụ du lịch của Dalat Tourist. Phát triển sản phẩm du lịch lấy thiên nhiên làm nền tảng sẽ bền vững và không xung đột giá trị với cộng đồng, xã hội.

LĐ online: Thưa ông, tại sao du lịch mạo hiểm lại chiếm tỉ trọng lớn trong sản phẩm du lịch của Dalat Tourist, trong khi nói đến Đà Lạt là nói đến thiên nhiên và khí hậu?

Ông Nguyễn Nhật Vũ: Thị trường du lịch muốn thế và định hướng của chúng tôi cũng dựa trên các phân tích thị trường. Do đó phát triển du lịch mạo hiểm ở thác Datanla thay vì chỉ bán vé tham quan như nhiều khu điểm khác là tất yếu. Qua cung cấp dịch vụ du lịch bằng kênh online chúng tôi có những dữ liệu nghiên cứu thị trường và từ đó chúng tôi quyết định nên làm gì. Du lịch mạo hiểm ở Việt Nam đang bị thiếu nên chúng tôi bổ sung cái thiếu cho thị trường. Nếu không nhờ vậy thì Tripadvisor (Công ty du lịch Mỹ chuyên cung cấp các đánh giá liên quan đến du lịch) không xếp thác Datanla vào nhóm 10% những điểm đến hấp dẫn toàn thế giới. Trong dữ liệu của chúng tôi, có dòng dịch chuyển du khách từ đảo Bali (Indonesia) dù một số sản phẩm đồng dạng.

Khi đã bổ khuyết thị trường bằng du lịch mạo hiểm chúng tôi không lo sợ mà ngược lại rất hào hứng khi có những nhà đầu tư lớn đến Đà Lạt làm du lịch. Họ mang thế mạnh của việc dùng công nghệ, dòng đầu tư lớn để tạo nên sản phẩm có sức hút. Chúng tôi và họ cộng sinh phát triển kinh tế du lịch, khiến Đà Lạt hấp dẫn, đa dạng hơn. Chúng tôi trở thành thương hiệu quốc gia có lẽ nhờ biết xây dựng thiên nhiên trở nên sinh động trong hoạt động du lịch, đúng nhu cầu của thị trường.


Đường ống trượt 2,3 km, dài nhất Đông Nam Á đi xuyên vào rừng nguyên sinh đang đang là sản phẩm du lịch của Dalat Tourist được nhiều du khách tìm đến. Ảnh: ĐỨC THỌ

Khác biệt sản phẩm, hài hoà môi trường

LĐ online: Thưa ông Vũ, có nhiều người sẽ tò mò về con đường xây dựng thương hiệu quốc gia của một doanh nghiệp địa phương?

Ông Nguyễn Nhật Vũ: Định nghĩa là doanh nghiệp địa phương chỉ đúng tương đối, một khi bước ra thị trường du lịch và tương tác để phát triển sẽ không thể nói doanh nghiệp nào là quốc gia, quốc tế và địa phương. Trước tiên chúng tôi không coi mình là doanh nghiệp địa phương bởi khách hàng của chúng tôi rất rộng, ngoài phạm vi quốc gia. Chưa kể những định hướng đầu tư ngoài phạm vi tỉnh Lâm Đồng trong tương lai gần.

Chúng tôi được công nhận thương hiệu quốc gia là nhờ mang đến những sản phẩm du lịch về tham quan, vui chơi giải trí và thể thao ngoài trời dựa vào thiên nhiên, đồng thời bổ sung thêm các giá trị của sự sáng tạo, của đầu tư. Trong các sản phẩm khéo léo kết hợp với các giá trị văn hoá, lịch sử và ẩm thực vùng miền. Phát triển chuỗi các dịch vụ du lịch khép kín từ tham quan,vui chơi giải trí, thể thao ngoài trời đến các dịch vụ lưu trú, ẩm thực. Chúng tôi định hình được trên thị trường nhờ sự khác biệt và hài hoà.

LĐ online: Có lẽ chúng tôi lẫn anh đều sẽ rất tiếc khi phải nhìn nhận môi trường, cảnh quan vùng cao nguyên Lâm Viên đang bị thay đổi, một số danh thắng bị biến dạng do tác động của hoạt động kinh tế trong và ngoài du lịch. Là đơn vị xây dựng giá trị trên nền tảng thiên nhiên, doanh nghiệp xử lý như thế nào để phát triển thương hiệu, bảo tồn giá trị?

Không chỉ ở các danh thắng mà Dalat Tourist có quyền khai thác du lịch, nhiều danh thắng khác cũng bị hư hại cảnh quan ít nhiều do những tác động tiêu cực từ hoạt động kinh tế ngoài du lịch. Ngay bên trong núi Langbiang cũng có người sinh sống từ rất lâu và làm nông theo kiểu dùng nhà lưới, nhà kính làm ảnh hưởng xấu đến cảnh quan. Việc giải quyết để phát triển du lịch bền vững, đóng góp cho sự phát triển kinh tế của địa phương tôi nghĩ cả doanh nghiệp lẫn địa phương phải nỗ lực. Chúng tôi cũng hiểu phát triển du lịch lâu dài không thể đứng ngoài hoạt động kinh tế của cư dân gốc tại chỗ nên doanh nghiệp có những chính sách để người địa phương, cộng đồng người dân tộc tại chỗ cùng tham gia vào bộ máy du lịch và cùng chia sẻ giá trị. Ví dụ như tại Langbiang, có những người đồng bào không có sinh kế phải xâm hại cảnh quan để sống, chúng tôi đều tạo điều kiện cho họ mua bán các sản phẩm địa phương, tham gia biểu diễn nghệ thuật,…trong khuôn khổ quản lý của doanh nghiệp để cùng phát triển.

LĐ online: Xin trân trọng cảm ơn ông đã dành thời gian trò chuyện cùng LĐ online. Chúc Dalat Tourist - Thương hiệu quốc gia Việt Nam tiếp tục gặt hái được nhiều thành quả trong thời gian tới.

HỒNG THẮM – GIA THỊNH thực hiện
Nguồn:Báo Lâm Đồng online
Theo link: http://baolamdong.vn/dulich/202011/dua-vao-thien-nhien-phat-trien-du-lich-ben-vung-3032656/

Top