Kiêu sa Đà Lạt

Với tôi, Đà Lạt như một cô gái kiêu sa chẳng “dễ tính” chút nào với những ai quá “nông nổi” cứ coi chốn phố núi đẹp tuyệt vời này chỉ như một nơi ghé qua vô tình.

Quả thực như vậy. Từ cảnh quan thiên nhiên, môi trường, từ thời tiết, khí hậu, từ kiến trúc nhà cửa, phố xá đến con người và những nét sinh hoạt rất đỗi quen thuộc của Đà Lạt cũng toát lên vẻ kiêu sa đến khó tả. Nói đến Đà Lạt không thể không nói đến hoa. Được ví là thành phố hoa, vương quốc của hoa, nơi đâu trên mảnh đất này cũng có sự hiện diện của muôn vàn sắc hoa. Festival Hoa vừa qua, Đà Lạt đã làm du khách “mệt nhoài” vì phơi nắng cả ngày để được thỏa thích ngắm các loài hoa quý được trưng bày tại triển lãm hoa quốc tế, tại phiên chợ hoa, để thỏa thích chụp hình không chán những tiểu cảnh sắp đặt bên những con đường hoa, để leo dốc theo hoa đến những thung lũng ngập sắc hoa dại hay những vườn hoa ngoại thành bạt ngàn những loài hoa mà bình thường người dân chốn phồn hoa dẫu có yêu hoa cũng chỉ dè dặt mua vài cành cắm trong lọ. Và đương nhiên, ở cái xứ sở kiêu sa sương khói ấy, không chỉ tuylíp, hoa hồng, anh đào, những loài hoa mang quốc tịch nước ngoài mới kiêu sa, mà Đà Lạt kiêu sa cả từ những bông hoa dại. Không chỉ riêng tôi, rất nhiều người đến Đà Lạt cũng ngẩn ngơ trước những loài dại mọc vơ vẩn bên đường, ven tường rào hay dọc những lối đi ít dấu chân người nhưng vẫn có thể làm sáng rực một con đường, một khu phố hay một ngôi nhà cổ bỏ hoang. Chính vì tiềm tàng khát khao sống mãnh liệt, những sợi dây hoa cứ tiếp tục vươn mãi, vươn mãi để rồi bao trùm một khoảng trời và thăng hoa vẻ đẹp giản dị của hoa dại. Và những rặng dã quỳ rực rỡ rải hoa từ thung lũng tràn lên sườn đồi; những dàn bìm bịp, hồng dại miên man trên những hàng rào gỗ hay những vạt hoa cúc dại, hoa cỏ hôi, hoa ngũ sắc hay bồ công anh thênh thang bên đường cứ lặng lẽ trổ bông, lặng lẽ pha màu, lặng lẽ toát lên vẻ bình yên đến kiêu sa của đất trời, cỏ cây Đà Lạt.

 

Cái đất trời ấy, cây cỏ ấy dường như kiêu sa cũng vì một thứ mưa - mưa kiêu sa. Đà Lạt mưa vào độ tháng 5 cho đến tháng 9, tháng 10. Không phải là mưa rào, mưa Đà Lạt là thứ mưa dầm, rả rích và kéo dài như bất tận nhưng chỉ là những làn mưa bụi lấm chấm vừa đủ để cảm nhận những điều thú vị khi lang thang trong mưa. Tản bộ con đường dọc bờ hồ Xuân Hương, nhìn màn mưa mênh mang trên mặt hồ, ngước mắt nhìn mưa xiên trên những hàng thông để đọng lại trên mỗi lá thông một giọt nước đầu ngọn long lanh, trong vắt như những vảy kim cương dát trên những tán thông già hay ngửa mặt hứng những hạt mưa thoang thoảng nhẹ như tơ, tan trên đầu lưỡi và nhắm mắt lại thấy mùi đất thơm, mùi hoa lá tràn ngập trong màn mưa sẽ thấy mưa Đà Lạt có mùi, có vị. Qua dốc Đại học trên phố Bùi Thị Xuân, ngắm nữ sinh Đà Lạt căng dù đi dưới làm mưa, bỗng thấy đời đâu sương khói mong manh đến vậy. Ghé ngang đồi Cù ngắm những vạt cỏ nhung mềm tím sẫm trong chiều mưa bỗng thấy dường như cả tâm hồn cũng thấm đẫm mưa cao nguyên. Với cái khí hậu bốn mùa trong một ngày, sáng sớm là mùa Xuân với những giọt sương mai trắng xóa đọng trên những cành lá; trưa về cùng mùa hạ mang ánh nắng chói chang; chiều tối với không khí trong lành của mùa Thu và đêm se lại theo cái lạnh giá của đầu mùa Đông, người Đà Lạt, đặc biệt là nữ sinh Đà Lạt, có thói quen che ô (mà ở đó gọi là đi dù). Đường núi đèo dốc quanh co nên thường tản bộ. Và trong mưa nhưng chẳng vội, những chiếc dù xinh xinh vẫn chậm rãi, khoan thai thấp thoáng má hồng nữ sinh Đà Lạt điểm tô cho mưa Đà Lạt thêm nét kiêu sa lạ thường.

Lang thang trong mưa, rồi bỗng đâu điệu nhạc du dương như từ nơi xa vọng lại, mùi hương nồng ấm quen thuộc như thật gần đâu đây. Ngước mắt nhìn lên, chỉ thấy một mảnh gỗ thông nhỏ treo trên hàng rào ngôi nhà cổ cong cong một chữ “Cà phê”. Đó là quán cà phê của Đà Lạt. Không đèn màu nhấp nháy, không biển hiệu rực rỡ, những quán cà phê Đà Lạt là một nét văn hóa riêng của thành phố này. Và để cảm nhận hết nét riêng của cà phê Đà Lạt, hãy chọn những quán cà phê nhỏ, không mấy nổi bật nhưng từ lâu đã trở thành nơi hoài niệm cho những kẻ luôn mang quá khứ vào đời sống hiện tại luôn rất dễ gặp ở thành phố này. Và vào quán rồi, đừng lớn tiếng gọi người phục vụ, đừng hối hả mượn “menu”, cũng đừng cao giọng “Em ơi, xin chút đường!” nếu cà phê có hơi đắng. Cà phê Đà Lạt là thế. Cứ lặng lẽ mà uống, lặng lẽ giữa không gian của những giai điệu rong rêu, để thả hồn theo tiếng tí tách cà phê kế tinh qua phin, để thấy thời gian ngai ngái ủ vàng trên những bức tranh trầm mặc, để bất chợt nghe một con người không phải là nghệ sĩ ở thành phố này bỗng đâu nổi hứng thả một bản nhạc lên cây dương cầm cũ hay cất lên những ca từ rất đỗi liêu trai, để có cảm giác như những người quanh mình đều mang một tâm sự hay ít ra là hoài niệm về một miền ký ức đã xa. Lặng lẽ mà kiêu sa, thần thái ấy toát lên từ không gian cà phê Đà Lạt hay từ những thực khách uống cà phê ở Đà Lạt.

Lê Văn là chủ một doanh nghiệp trồng hoa và xuất khẩu hoa có tiếng ở Đà Lạt. biết vợ chồng anh sống trong một ngôi biệt thự rất đẹp đúng phong cách Đà Lạt, tôi ngỏ ý muốn đến thăm. Khá bất ngờ với bản tính nồng nhiệt của anh trong suốt thời gian cùng làm việc, anh không hồ hởi đưa chúng tôi về nhà ngay lúc đó mà hẹn tôi hôm sau đến chơi. Đúng tối hôm sau Lê Văn đưa chúng tôi về thăm ngôi biệt thự xinh đẹp. Khi câu chuyện đã bắt đầu, tôi hỏi: “Sao nhà cũng gần nơi làm việc mà hôm qua anh không đưa bọn em qua chơi luôn”. Lê Văn nói: “Không, dù chỉ đến đây uống trà, ăn mứt, các em vẫn là khách ở xa đến chứ không phải khách thường ghé chơi nên anh cũng cần chuẩn bị tâm thế để đón khách”. Và cái tâm thế đón khách của anh đó là phòng khách ấm áp không tiếng ti vi, không chuông điện thoại, không con trẻ lăng xăng chạy qua chạy lại, một không gian yên tĩnh trong hương thơm của tách trà Bảo Lộc, vị  ngọt đĩa mứt dâu và tiếng nổ tí tách của những khúc củi ngo trong lò sưởi.

Rồi sau vài tuần trà với những câu chuyện về hoa, về Đà Lạt, cứ mặc tôi đã trở ra đung đưa trên chiếc ghế xích đu ngoài hiên, với vầng trăng treo trên ngọn thông ở khoảng đồi phía trước, với mùi hoa hoàng lan thoang thoảng trong đêm và những bầu cây chuỗi ngọc treo trên bức tường ngôi biệt thự cổ đang lặng lẽ ngậm trăng và thả những chùm lá xanh bạc căng mọng hệt như những chuỗi ngọc, Lê Văn lặng lẽ quay vào nhà với những công việc còn dang dở sau một ngày miệt mài xắn quần, đi ủng dưới trại hoa đúng như một nông dân thực thụ. Nhưng tôi cảm giác, dường như anh đang ngầm nói với tôi: Em cứ ngồi đó đi, cứ nhìn, cứ ngắm, cứ cảm nhận về không gian xung quanh, về nơi tôi và biết bao người dân Đà Lạt đang sống hàng ngày, nhưng với em thì có thể chỉ có ở ngày hôm nay mà thôi... Và tôi thấy, cái cách tiếp khách của người Đà Lạt cũng kiêu sa lạ lắm.

 Sưu tầm

Top