Cảm xúc Đà Lạt xưa!

Đà Lạt xưa với nhiều điều không nói hết bởi ngôn từ còn quá hạn hẹp, có liệt kê ra cũng chỉ một phần sống lại trong ký ức. Đà Lạt của ngày nay có chút ảnh hưởng của quá trình đô thi hóa nhưng vẫn giữ được cái riêng. Có lần tôi đã đọc đâu đó nói Đà Lạt vẫn còn cái hồn phảng phất trong cỏ cây hoa lá, trong những màn sương trắng phủ núi đồi hay đơn giản nằm trong ly sữa đậu nành thơm nồng chiều đông lạnh. Đà Lạt của ngày nay ai cũng biết nhưng không nhiều người và ngay cả tôi cũng không thể hình dung được Đà Lạt của ngày xưa như thế nào. Qua những tấm hình không rõ tác giả mang lại nhiều cảm xúc mong muốn được sẻ chia.

Đà Lạt xưa mộc mạc trong tà áo dài của cô thiếu nữ lúc tan trường, của chị bán hàng rong ,bà bán xôi cạnh rạp chiếu bóng Hòa Bình. Thanh lịch, dịu dàng có lẽ là nét đáng yêu của con người Đà Lạt xưa. Những cô gái uống nước cao nguyên má bỗng ửng hồng khi tiết trời nắng lạnh, mộng mơ và e lệ  như chính tên gọi mà người đời đặt cho nơi đây. Người Đà Lạt xưa hiền hòa mến khách và yêu thơ nhạc, phải chăng do tiết trời nơi đây hội tụ nhiều yếu tố tốt đẹp khiến cho họ cũng trở nên nhẹ nhàng thanh thoát. 

Đà Lạt xưa là tiếng lộc cộc vó ngựa về đêm và gần sáng còn văng vẳng bên tai lữ khách độc bước trên đường trong sương lạnh. Yên bình, lãng mạn và có chút buồn lãng đãng như sóng nước Xuân Hương lặng lẽ vỗ nhịp vào bờ. Đã tự bao giờ mang tâm sự của những con người nơi đây và lưu giữ yêu thương cho những kẻ trót đem lòng mong nhớ mảnh đất đầy sương phủ. Xuân Hương được ví như nàng thơ của Đà Lạt bởi dáng vẻ cong cong e ấp trong lòng Đồi Cù, mỗi sáng sớm giật mình bừng tỉnh như đứa trẻ con đáng yêu với nét tinh khôi long lanh trong đôi mắt.

Đà Lạt xưa là hình ảnh người bán rong nướng những củ khoai lang khoai mì , bắp nếp thơm lừng giữa trời đông, là nắm xôi nóng hổi nghi ngút khói ấm lòng cho những ai đang vội vã lên đường hay chỉ là một bát canh atiso hầm vị ngọt thanh chỉ cần một ngụm đã gói gọn cả Đà Lạt vào trong đó.

Đà Lạt xưa là quán cóc bên đường chỉ có một vài đồ uống đơn giản, chỉ vài bức tranh trên tường, vài khung cửa sổ đủ nhìn thấy những giọt mưa vô tình rơi xuống khiến cho ai đó cần một bờ vai để tựa vào. Nơi đây cũng chứng kiến biết bao nhiêu mối tình dang dở làm cho người ra đi kẻ ở lại để một nửa hồn kia bỗng như dại khờ. Có lẽ vì nhiều lí do mà Đà Lạt trở thành nguồn cảm hứng cho không ít nhà thơ , nhạc sỹ sáng tác, Hàn Mặc Tử đã phải thốt lên những áng thơ đầy lãng mạn, để cho Trịnh Công Sơn lưu dấu mối tình với nữ Ca sỹ Khánh Ly hay Lam Phương  với nỗi buồn cho tình yêu mà suốt đời ôm trọn cô đơn để Đà Lạt trở nên “ Thành Phố Buồn” trong tâm tưởng.

Đà Lạt xưa là những hàng thông nghiêng mình vi vu trong gió để cảm nhận hương vị đất trời, để âm thầm nghe đôi tình nhân hò hẹn cuối chiều, để lắng tai cầu nguyện trong tiếng chuông chùa ngân lên mỗi khi trời gần sáng và để cho ai đó phải “ Kiếp sau xin chớ làm người, làm cây thông đứng giữa trời mà reo”. Có lẽ thông làm nên Đà Lạt và chính nơi đây nó mới được thi vị hóa trở nên có linh hồn cùng bầu bạn với con người. 

Đà Lạt xưa là tiếng “Cam Ly vô tư” để là nơi hẹn hò của giai nhân đón ai đó trong ngày vui cuộc đời, để thế nhân rũ hết u sầu quay về bến yêu mà thương  miền đất lạnh, nơi đã ghi dấu trong lòng những buồn vui thưở trước. Không phải chỉ để đến rồi để đi, Đà Lạt khiến cho con người ta phải cảm nhận một điều “ khi ta ở chỉ là nơi đất ở khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”.   

Đà Lạt xưa còn là nơi cư trú của những người dân tộc bản địa với hình ảnh hằng ngày xuống phố gùi trên vai những bó ngo còn thơm phức nhựa thông hay đơn giản vài nhánh lan rừng để bán đi đổi lại thức ăn qua ngày. Các bà mẹ gùi trên vai những đứa con bé nhỏ để nó quen với cuộc sống, cứng cáp hơn và bản lĩnh hơn giống như những thủ lĩnh của chúng ngày xưa oai hùng trong truyền thuyết.

Đà Lạt xưa với nhiều điều không nói hết bởi ngôn từ còn quá hạn hẹp, có liệt kê ra cũng chỉ một phần sống lại trong ký ức. Đà Lạt của ngày xưa và ngay nay vẫn như thế, những hình ảnh đó vẫn không mất đi chỉ là bởi quá yêu vùng đất này nên càng ngày cư dân đến đây đông hơn, bởi cuộc sống đô thị nên vắng đi những tà áo dài trong chợ…Nhưng Đà Lạt vẫn còn đó những tâm tư, những ước muốn, những nỗi niềm và cả những điều ta chưa khám phá hết. Mỗi lần đến đây đều để lại cho ta nhiều cảm xúc khó tả, để phải nhớ mong, phải chờ đợi một ngày được trở lại mảnh đất thân yêu này…

Bài Hoài Phương

Ảnh sưu tầm

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Top