Gánh xôi vỉa hè hơn 6 thập kỷ tại trung tâm Đà Lạt

Gánh xôi của bà Tư nằm ở góc đường Nguyễn Văn Trỗi – Phan Bội Châu. Chủ nhân gánh xôi này năm nay đã 81 tuổi và đã có hơn 60 năm bán xôi ở góc đường này. Bà Tư quê gốc ở Sài Gòn, lên Đà Lạt lập nghiệp từ những năm 1953 nên nhiều người còn biết đến bà qua biệt danh “bà Tư xôi chè Sài Gòn”.

Bà cho biết trước đây bà cũng có bán kèm chè nhưng do tuổi đã cao, bà không còn đủ sức để bán nhiều món như trước. Nhưng vào mỗi cuối tuần, bà Tư vẫn cần mẫn làm thêm các món bánh da lợn, chè đậu để bán thêm cho những ai thích ăn.

Gánh xôi đơn giản lọt thỏm giữa thành phố đã tồn tại suốt hơn 60 năm qua. Ảnh: Tâm Di

 

Ngày thường, bà phải thức dậy từ hơn 3 giờ sáng để chuẩn bị đồ xôi và chế biến các nguyên liệu sao cho kịp bán sớm cho thực khách. Gánh xôi của bà chỉ có 2 loại là xôi mặn và xôi ngọt.

Trải qua ngần ấy thời gian, những vật dụng trên gánh xôi từ chiếc mẹt đến đôi quang gánh đều được bà gìn giữ cẩn thận. Bà cho biết từ đó đến nay chỉ thay một vài lần vì đã không còn dùng được. Dù tuổi đã cao nhưng bà Tư vẫn tự mình làm các khâu sơ chế, từ việc ngâm nếp, vo gạo cho đến đun bếp, quạt lửa.

Hộp xôi mặn chỉ đơn giản là một ít xôi cùng chả, chà bông và tương ớt nhưng hương vị khiến ai ăn qua đều nhớ về. Ảnh: Tâm Di

Ngoài 2 loại xôi chính, món bánh da lợn cũng được lòng thực khách. Cắn miếng bánh dẻo dai, bạn sẽ cảm nhận được cái vị ngọt vừa phải, thơm phức mùi lá dứa.

Điều để lại ấn tượng trong lòng thực khách không chỉ hương vị của món ăn mà còn bởi sự vui tính và cởi mở của bà Tư. Ngoài những người đi chợ, người bốc vác hàng hóa vào mỗi buổi sớm, khách của bà còn có các vị khách du lịch vãng lai thấy gánh ‘Xôi Sài Gòn’ cũng tò mò rồi ghé thử. Ăn rồi thì nhớ hoài cái vị.

Nụ cười luôn hiện trên gương mặt phúc hậu của bà. Ảnh: Tâm Di

 

“Bà bán ở đây từ lúc khu chợ Mới còn là mấy cánh rừng, mấy người phụ nữ còn để ngực trần đi ra đường để hứng nắng, vì thời tiết trên này khi đó còn lạnh lắm”, bà Tư chia sẻ.

Nói về công đoạn vất vả nhất, bà Tư cho biết: “Cực nhất là phải canh sao cho ngọn lửa đều để xôi vừa chín tới, có độ mềm và dẻo mà không bị khét hay sống”. Vất vả là thế, nhưng có lẽ nhờ kinh nghiệm suốt mấy mươi năm qua đã giúp bà có riêng cho mình công thức riêng để cho ra những hạt xôi thơm ngon.

Nhiều vị khách du lịch đã từng nếm qua cái vị xôi của bà đều tìm cơ hội quay lại thưởng thức thêm một lần nữa. Ảnh: Tâm Di

Trong tiết trời lành lạnh vào buổi sáng sớm ở Đà Lạt, thưởng thức hộp xôi nóng hổi của bà Tư sẽ là một trong những trải nghiệm đáng nhớ trong hành trình khám phá ẩm thực phố núi của bạn.

Theo Dân Việt

Top