Ý tưởng Ðô thị xanh Ðà Lạt của du học sinh

    Đoàn Anh Khoa (ngoài cùng bên phải) cùng các bạn du học sinh tại Bỉ

Yêu kiến trúc và thi đậu vào Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, rồi cái duyên đến với Anh Khoa khi ngành học được liên kết giữa Đại học Kiến Trúc với Đại học KU. Leuven Vương quốc Bỉ về thiết kế đô thị. Với ba năm học ở Việt Nam, một năm học ở Bỉ, sau khi tốt nghiệp cử nhân, Anh Khoa về Việt Nam làm việc 2 năm và em được tiếp cận nhiều dự án, đồ án quy hoạch của TP Đà Lạt. Bắt tay vào nghiên cứu, Khoa nhận thấy cách tiếp cận về quy hoạch không có “đột phá” và tạo ra dấu ấn riêng biệt cho Đà Lạt. Em nhận ra năng lực của mình chưa đủ và em quyết định liên hệ với giáo sư để tiếp tục học lên thạc sĩ thêm hai năm nữa tại Bỉ.

Sau một quá trình học, đến khi làm đồ án tốt nghiệp, Khoa bắt đầu nghĩ về quê hương và mong muốn làm một cái gì đó đóng góp cho Đà Lạt, một phần vì em nhận thấy Đà Lạt hội đủ những yếu tố hiếm có trên thế giới và em muốn tạo dấu ấn trong luận văn Thạc sĩ của mình.

Đà Lạt đang thay đổi từng ngày, lãnh đạo thành phố, các ngành chức năng đã và đang làm hết mình để giữ những nét riêng có của Đà Lạt, Khoa nghĩ đây là cơ hội cho em phát triển ý tưởng, mong Đà Lạt đẹp hơn, trong lành hơn, phát triển bền vững hơn. Khoa hoàn toàn tin những kiến thức học từ nước ngoài cùng với ưu thế là người Đà Lạt và tình yêu Đà Lạt nên em đã truyền cảm hứng từ tình yêu đó đến các bạn của mình. Từ đó Word Shop (hội thảo) diễn ra là công sức của cả tập thể làm việc bởi một mục tiêu chung vì Đà Lạt.

Được biết đến đề án thí điểm Làng đô thị xanh tại xã Xuân Thọ, Khoa nhận thấy đây là một đề án rất hay, tuy nhiên vẫn còn một số thắc mắc vì sao Xuân Thọ lại được lựa chọn cho việc phát triển mô hình này. Nhưng đến khi em cùng nhóm tham gia nghiên cứu hiện trạng thực tế tại Xuân Thọ (lát cắt 3 trong Word shop) thì em nhận thấy rõ ràng nơi đây đúng là có nhiều ưu điểm nổi trội, xứng đáng là nơi để làm mô hình thí điểm làng đô thị xanh. Về không gian thì Xuân Thọ chính là nơi chuyển tiếp giữa vùng đô thị “nén” (đô thị phát triển dày đặc) của Đà Lạt và vùng nông thôn. Ngay từ cửa ngõ Xuân Thọ vào là một khu rừng trên triền đồi bên phải, bên trái là view rộng lớn nhìn ra một thung lũng nông nghiệp với nhiều nhà kính, ấn tượng đầu tiên về vùng Trại Mát - Xuân Thọ. Đi sâu vào lại thấy có nét đặc biệt về giao thông, đó là tuyến đường sắt từ thời xưa Đà Lạt đi Phan Rang và nay vẫn còn hoạt động trên đoạn Đà Lạt - Trại Mát. Sự phân bố về dân cư không dọc theo tuyến đường mà lại phân bố theo từng cụm ở những thung lũng nông nghiệp. Điểm hay nữa là mỗi ngôi nhà của người dân nơi đây đều có một khoảng sân, hàng rào hoa cỏ gợi sự yên bình, có tiếng chim hót, mùi hương từ những vườn rau hoa trong vùng. Bên cạnh những view trên đồi rất đẹp, nhìn cảnh quan của toàn TP Đà Lạt, còn có những công trình tôn giáo nổi tiếng đặt trên triền đồi... Nhóm nhận thấy hình ảnh đồi thông thay vì lũy tre làng thân thuộc, dân dã, bình dị, những khu vườn cà rốt, vườn chuối ngay ven đường đi mà ở nơi khác không có được, góp thêm màu sắc về lựa chọn hướng đi cho quy hoạch phát triển Đà Lạt.

Được hỏi về người bạn cùng nhóm, Nguyễn Ngọc Minh Châu nói: Anh Khoa là người rất tài năng, có năng lực và là người gần như chủ động trong mọi khâu từ tổ chức đến lập kế hoạch, thương thảo với địa phương để nhóm chúng em hoàn thành chương trình hội thảo và được đánh giá, ghi nhận tích cực từ phía các nhà lãnh đạo, chuyên môn.

Qua lăng kính của nghiên cứu sinh Anh Khoa, điều đặc biệt nơi đây là hoạt động canh tác nông nghiệp truyền thống; sẽ là nơi phát triển bền vững cho Đà Lạt bởi còn rất nhiều khoảng xanh có thể khai thác thành những chuỗi làng đô thị xanh tại đây.

Ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Xây dựng phát biểu: Một seri các câu hỏi được các nhóm nghiên cứu đưa ra đã phần nào khiến các nhà quản lý chúng tôi phải suy ngẫm, như thế có nghĩa là nhóm nghiên cứu của Anh Khoa và các giáo sư nước ngoài đã chạm đến được những vấn đề cần của Đà Lạt. Mỗi lát cắt đều đưa ra cho các nhà quản lý những góc nhìn khác nhau và đều có lý. Chúng tôi tiếp thu và mang tính chất xây dựng, kết quả của hội thảo hôm nay cũng là cơ sở để Sở Xây dựng đưa vào bổ sung hoàn thiện thêm cho dự án Làng đô thị xanh - mô hình thí điểm của toàn quốc.

Về ý tưởng đề tài của các bạn sinh viên ở Bỉ và Việt Nam, theo ông Lê Quang Trung, trong đó có đóng góp lớn của Đoàn Anh Khoa - người con của Đà Lạt là ý tưởng rất hay và rất thiết thực. Vấn đề của nhóm nghiên cứu đã giúp cho Đà Lạt vấn đề giải quyết mối quan hệ hài hòa giữa 3 vấn đề phát triển đô thị - sản xuất nông nghiệp trong đô thị và quản lý rừng trong đô thị. Đà Lạt khác với những đô thị khác là vẫn còn quỹ đất nông nghiệp, nội dung cần quan tâm là làm thế nào để tạo được không gian đô thị đúng với sự phát triển có định hướng. Những vấn đề được nhóm đặt ra thể hiện sự trăn trở của các em, làm thế nào để bảo vệ rừng, bảo vệ nông nghiệp truyền thống mà vẫn đảm bảo về mặt quy hoạch đô thị. Phải tạo được ý thức cho người dân Đà Lạt để rừng đúng nghĩa là “rừng trong thành phố” và phục hồi lại hệ thống sông suối, hồ...


Chân dung Đoàn Anh Khoa - du học sinh Đà Lạt tại Bỉ truyền đam mê kiến trúc và tình yêu Đà Lạt
đến các bạn sinh viên

Đam mê về kiến trúc đô thị, Đoàn Anh Khoa đã cùng nhóm bạn du học tại Bỉ đã kết nối với 60 bạn sinh viên đến từ Trường Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, Đại học Kiến trúc Hà Nội, Đại học Bách khoa, Đại học Lâm nghiệp, Đại học Đà Lạt... xây dựng dự án nghiên cứu “Hiện trạng phát triển đô thị gắn liền với rừng và nông nghiệp ở vùng ven Đà Lạt” rất thiết thực và được đánh giá rất cao từ phía các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý.

Tâm huyết của nhóm chính là tình yêu với Đà Lạt, trong đó Nguyễn Sơn Tùng đến từ Vĩnh Long, Nguyễn Ngọc Minh Châu đến từ Sài Gòn và Khoa là người Đà Lạt đều cùng là du học sinh tại Bỉ. Với thực trạng Đà Lạt hiện có rất nhiều vấn đề về rừng, nông nghiệp, du lịch...; nhóm nghiên cứu đã đưa ra một chuỗi các câu hỏi để tiếp tục nghiên cứu, cân bằng giữa kinh tế - sinh thái, giữa sản xuất truyền thống và hiện đại. Qua đó, mong muốn giải mã những kiến thức về đô thị quy hoạch, nêu ra nhiều vấn đề để các nhà nghiên cứu, nhà quản lý tham khảo và có thể ứng dụng, hướng đến phát triển bền vững cho thành phố Đà Lạt.

Giáo sư Bruno de Meulder 0 Đại học KU.Leuven, Vương quốc Bỉ nhận định: Hội thảo hội tụ các bạn đến từ rất nhiều ngành nghề từ các trường đại học trong cả nước và cả các nghiên cứu sinh Việt Nam đang học tại Bỉ cùng tham gia nghiên cứu. Khi quan sát sự phát triển của Đà Lạt 10 năm qua cho thấy tốc độ phát triển chưa từng có trong lịch sử, đó là sự phát triển ồ ạt của nhà kính, của đô thị hóa. Nhìn lại Đà Lạt trước đây là thành phố phát triển giữa sự giao thoa của con người và thiên nhiên. Bài toán đặt ra cho chúng tôi và các em học sinh là Đà Lạt đang phát triển như thế nào, những khu rừng bị cắt vạt đi thành ruộng bậc thang, đã ảnh hưởng đến TP Đà Lạt như thế nào. Nhiều vấn đề được đặt ra cho nhóm nghiên cứu bằng những câu hỏi nhằm tạo ra không gian tranh luận, là nền tảng vững chắc để nghiên cứu phát triển Đà Lạt trong tương lai. Chúng tôi - những kiến trúc sư sẽ tạo ra những bản vẽ với sự kết hợp của các kiến thức về lâm nghiệp, nông nghiệp, du lịch...; luôn cân nhắc để có góc nhìn đa ngành nghề, thiết kế kiến trúc, thiết kế đô thị và thiết kế nông nghiệp sao cho Đà Lạt phát triển bền vững hơn. Và nhóm nghiên cứu của các du học sinh tại Bỉ, trong đó có Anh Khoa đã làm tốt điều này.


NGUYỆT THU
Theo baolamdong.vn

Top