Trạm Hành làm du lịch cộng đồng

Tạo một không gian văn hóa du lịch với các sản phẩm độc đáo chất lượng cao, mang đậm bản sắc địa phương để thu hút du khách gần xa. Ðó là phát triển du lịch hướng tới cộng đồng - cách mà xã Trạm Hành (thành phố Ðà Lạt) đang hướng đến.


Du khách thích thú chụp hình với hồng. Ảnh: H.Y

Vào độ cuối thu, trời thường nắng buổi sáng và mưa buổi chiều khiến cho Trạm Hành (ở độ cao trên 1.600 mét so với mực nước biển) có một không gian đẹp lạ lùng. Ở đây, độ ẩm cao nên trời thường có sương mù vào lúc sáng sớm và chiều tối nên đi trong không gian sương mù, du khách có thể cảm nhận làn hơi nước phả vào mặt mát lành. Cùng với những ngôi nhà nhấp nhô trong làn sương tạo nét huyền bí, lối vào những ngôi nhà có hoa nở quanh năm, xa xa vườn hồng trái đỏ rực xen với cà phê xanh ngát.

Vốn chỉ quen với sản xuất nông nghiệp, quanh năm gắn bó với ruộng đồng, vườn cây, song giờ đây nhiều nông dân Trạm Hành đã mạnh dạn thử sức với một công việc khá mới mẻ, đó là làm du lịch. Ít ai nghĩ, những công việc nhà nông như: chăm tỉa, hái quả lại trở thành các sản phẩm phục vụ khách du lịch. Việc hái hồng, thử nghiệm với việc làm hồng sấy gió và tìm hiểu về cách chăm sóc, thu hoạch chè, cà phê của người nông dân lại được đông đảo khách du lịch thích thú. Giống như nhiều hộ nông dân khác tại thôn Trạm Hành 1, gia đình chị Nguyễn Thị Loan trước đây chủ yếu sống bằng nghề nông. Ban đầu sản phẩm hồng sấy gió của chị làm ra chưa có đầu ra, khi chị lên Facebook truyền thông cho sản phẩm của mình, chị tiến hành mở cửa cho khách du lịch trải nghiệm các công đoạn của việc làm hồng sấy từ việc hái hồng, gọt hồng, treo hồng… miễn phí. Nhờ lượng khách đến đồi chè Cầu Đất cùng tuyến nên họ cũng ghé cơ sở của chị để tham quan, thấy hay họ bắt đầu truyền tai giới thiệu cho nhau. Và chỉ trong một thời gian ngắn, vườn hồng và cơ sở hồng sấy gió của chị đã có khá đông người tới tham quan, trải nghiệm. Giờ thì sản phẩm hồng của gia đình không kịp cung cấp cho du khách cũng như thị trường. Chị Loan chia sẻ thêm, đây là lần đầu tiên tôi biết đến cách thức làm nông nghiệp gắn với du lịch. Vườn hồng và cơ sở sấy hồng của gia đình mỗi ngày thu hút 7 - 10 lượt khách, dịp lễ có hàng chục lượt khách đến tham quan, mua sản phẩm. Du khách đến đây không phải để du lịch dịch vụ mà họ muốn trải nghiệm trở thành người nông dân thực thụ.

Anh Nguyễn Trọng Hoàng (du khách ở Hà Nội) cho biết: “Khi đến du lịch Đà Lạt, gia đình chúng tôi tham quan rất nhiều điểm du lịch nổi tiếng của thành phố, tuy nhiên điều làm gia đình chúng tôi ấn tượng và thú vị hơn cả là tour du lịch đồi chè Cầu Đất, trong đó có việc đi tham quan và trải nghiệm những công đoạn làm hồng sấy gió. Từ đó, giúp các thành viên trong gia đình hiểu thêm về văn hóa cũng như làng nghề của người dân địa phương. Bên cạnh đó, còn được mua sản phẩm ngon, rẻ hơn trên thị trường. Đặc biệt hơn cả là người dân ở đây rất nhiệt tình và thân thiện. Họ đón tiếp và trò chuyện với gia đình tôi như những người bạn thực sự, điều đó khiến tôi cảm thấy gia đình mình là những vị khách rất đặc biệt”.

Việc Trạm Hành thành lập các HTX đã tạo ra sản phẩm độc đáo cho du lịch Trạm Hành. Tại đây, du khách có thể tới tận vườn hái hồng, chụp ảnh với hồng, tận tay làm công đoạn hồng sấy gió và mua sản phẩm hồng đem về… Anh Lê Văn Chung, Giám đốc HTX Hồng Sấy gió Trường Gia Phát cho biết, hiện HTX đã có 40 thành viên tham gia vào chuỗi sản xuất sản phẩm hồng, ngoài sản xuất bán cho thị trường các thành viên còn tham gia phát triển du lịch cộng đồng. Riêng cơ sở của anh, vì nằm trên đường vào nhà máy chè cổ Cầu Đất nên lượt khách vào tham quan, mua sản phẩm rất đông. Thông qua đây, sản phẩm đặc trưng của địa phương được quảng bá và nhiều người biết đến hơn.

Ông Trương Văn Thường - Phó Chủ tịch UBND xã Trạm Hành cho biết, Trạm Hành là một xã vùng ven của Đà Lạt, có điều kiện thiên nhiên trong lành, con người thuần hậu, rất thuận lợi để phát triển du lịch. Do vậy, Trạm Hành ưu tiên phát triển loại sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, thân thiện với môi trường - hướng tới cộng đồng, trong đó việc xây dựng thương hiệu riêng và quảng bá các sản phẩm đặc thù của địa phương, xây dựng thương hiệu hồng sấy gió, cà phê, rau, hoa, trà là ưu tiên hàng đầu. Việc đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn đến các khu vực sản xuất nông nghiệp rau, hoa công nghệ cao, đường vào các điểm du lịch, tạo điều kiện cho các tour du lịch, khách du lịch tham quan dễ dàng, đầu tư phát triển các shop mua bán các sản phẩm địa phương, các dịch vụ ăn uống đa dạng, lành mạnh, hợp vệ sinh, lấy chất lượng sản phẩm, dịch vụ làm động lực thu hút khách du lịch. Bên cạnh đó, xã còn mời gọi các dự án đầu tư phát triển du lịch xanh gắn với du lịch cộng đồng, nghĩa là người dân được hưởng lợi từ phát triển du lịch như du lịch tham quan vườn, lưu trú homestay, bán sản phẩm địa phương… Mục tiêu đến năm 2020, Trạm Hành đón 500 - 1 triệu lượt khách, tốc độ tăng trưởng trung bình 5%/năm, các điểm du lịch trên địa bàn xã trở thành một trong những điểm du lịch theo hướng chất lượng bền vững, có tính chuyên nghiệp.

HOÀNG YÊN

Theo baolamdong.vn

Top