Lâm Đồng: Du lịch canh nông phải có chỗ để xe, nhà vệ sinh, đẹp từng centimet

Sáng 14.12, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Lâm Đồng đã tổ chức tọa đàm về phát triển du lịch canh nông nhằm tìm kiếm giải pháp để loại hình du lịch này phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Dẫn đầu cả nước về du lịch canh nông

“Đến bây giờ, chúng ta có thể tự hào rằng, du lịch canh nông của Lâm Đồng đang dẫn đầu cả nước với 28 điểm du lịch đạt 30 tiêu chí của tỉnh Lâm Đồng đưa ra… Lâm Đồng là tỉnh đi đầu cả nước về nông nghiệp công nghệ cao, đó cũng là một lợi thế rất lớn để tỉnh đầu tư, phát triển du lịch canh nông”, ông Phạm S – Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng khẳng định khi nói về du lịch canh nông của tỉnh.


Nông nghiệp công nghệ cao đang là lợi thế để Lâm Đồng phát triển du lịch canh nông. Ảnh: Văn Long.

Cũng theo ông Phạm S, trên thế giới du lịch canh nông đã phát triển cách đây khoảng 80 năm và có nhiều tên gọi khác nhau. Tại Đức họ gọi là du lịch trang trại, Anh – du lịch nông trại, Mỹ – du lịch nông thôn… Đặc biệt, các nước này thu nhập hàng tỷ USD từ du lịch canh nông. Lâm Đồng là tỉnh có nhiều lợi thế để đẩy mạnh loại hình du lịch này.

Tuy nhiên theo vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, hiện có những yếu tố khiến du lịch canh nông tại Lâm Đồng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng như hạ tầng chưa có sự quy hoạch trước, cơ sở được xây dựng chủ yếu đáp ứng cho việc sản xuất nên khi đưa vào làm du lịch không còn phù hợp.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực được đào tạo chưa đáp ứng đủ yêu cầu, các trường đại học có đào tạo về ngành du lịch nhưng những môn học, bài giảng về du lịch canh nông chưa có nên sinh viên ra trường chưa đáp ứng đủ điều kiện…


Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng các khu du lịch canh nông tại Lâm Đồng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Ảnh: Văn Long.

Chính vì vậy, ông Phạm S yêu cầu các đơn vị tiếp tục quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch canh nông của địa phương. Yêu cầu Sở VHTTDL tổ chức các buổi tọa đàm, tập huấn nhằm đào tạo nguồn nhân lực các cấp bao gồm cán bộ quản lý ngành, các chủ trang trại và các nhà vườn. Thậm chí Sở có thể xây dựng đề án để đưa lãnh đạo, người dân đi tham quan tại nước ngoài, nâng cao trình độ, khả năng thuyết trình giới thiệu sản phẩm…

Còn nhiều hạn chế

Tại buổi tọa đàm, bà Trương Thị Minh – Phó Giám đốc Công ty du lịch Phố hoa cho rằng, hiện tại du lịch canh nông ở Lâm Đồng chỉ dừng lại ở mức cho khách tham quan, chụp ảnh, tiêu thụ sản phẩm ngay tại nơi sản xuất. Thế nhưng, điều du khách cần nhất là sự trải nghiệm thực tế, lao động để tạo ra sản phẩm…

“Chúng ta nên thực hiện nhiều chương trình, tour du lịch “1 ngày làm nông dân” để cho du khách tự tay cầm cuốc, cuốc đất, trồng rau hoa và làm nông một cách thực thụ, đó là điều mà Lâm Đồng đang thiếu”, bà Minh chia sẻ.


Lâm Đồng cần thực hiện nhiều tour du lịch “1 ngày làm nông dân” để du khách trải nghiệm thực tế khi tham quan. Ảnh: Văn Long.

Ông Phan Thanh Sang – Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt và ông Trần Huy Đường – Giám đốc Công ty Langbiang Farm lại cho rằng, du lịch ở Lâm Đồng cần chú trọng nhiều đến cơ sở hạ tầng.

“Nếu du khách đến một điểm du lịch mà xe không thể đón đưa khách, đường bùn lầy lội hay không có chỗ để xe, không có nhà vệ sinh… thì chắc chắn họ chỉ tới đó một lần và không quay trở lại. Chính vì vậy chúng ta cần xây dựng khu du lịch của mình đẹp từng centimet để khách muốn quay lại tham quan”, ông Trần Huy Đường chia sẻ ý kiến của mình.


Ông Trần Huy Đường mong muốn xây dựng điểm du lịch của mình “đẹp từng centimet” để níu chân du khách. Ảnh: Văn Long.

Bên cạnh đó, quy tắc ứng xử của những người hướng dẫn du lịch canh nông đối với du khách cũng cần phải nâng cao. Bởi muốn giữ chân “thượng đế” thì họ cần phải cư xử sao cho hài hòa, lịch sự và coi du khách là nguồn sống của mình.

Cũng trong buổi tọa đàm, Sở VHTTDL đã trao 5 quyết định công nhận mô hình du lịch canh nông cho 5 đơn vị tại đại phương đáp tiêu chí của tỉnh đề ra.


Theo Danviet.vn

Top