Người khai sinh nghề móc áo dài thủ công ở Ðà Lạt

Tròn 10 năm chiếc áo dài móc Ðà Lạt có mặt trên thị trường trong và ngoài nước, đánh dấu và khẳng định một nghề thủ công mới ra đời ở xứ sở ngàn hoa nhờ bàn tay tài hoa, sáng tạo của người phụ nữ Ðà Lạt. Nhân kỷ niệm 125 năm Ðà Lạt hình thành và phát triển, nữ doanh nhân Võ Thị Sơn được UBND TP Ðà Lạt chọn biểu dương là một trong 125 gương điển hình tiêu biểu đóng góp cho sự phát triển của thành phố.


Chị Võ Thị Sơn với các sản phẩm áo dài móc thủ công được trưng bày tại nhà. Ảnh: A.Nhiên

Nghệ nhân móc áo dài

Phải yêu lắm chiếc áo dài và nghề đan móc, chị Võ Thị Sơn (sinh năm 1961) mới có thể cho ra đời chiếc áo dài móc tỉ mỉ theo từng đường kim mũi chỉ. Chị Sơn cho biết: “Mô hình áo dài móc được thành lập từ năm 2008, ban đầu gặp rất nhiều khó khăn do là nghề mới, sản phẩm mới đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ, khéo tay nên thời gian đầu có ít chị em tham gia. Nhờ có gần 40 năm gắn bó với nghề đan móc, tôi đã rút ra được nhiều kinh nghiệm, học hỏi được nhiều kỹ thuật, đến nay mô hình đã tạo dựng được cơ sở chuyên sản xuất áo dài móc rất phát triển, được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng, bởi chiếc áo dài móc Đà Lạt phù hợp với mọi lứa tuổi và dáng vóc của người phụ nữ. Nhờ đó, thu hút ngày càng nhiều chị em đến với mô hình áo dài móc, giúp cho chị em có thu nhập ổn định, cải thiện kinh tế gia đình và gìn giữ được nghề móc áo dài ở Đà Lạt”.

Một cơ sở nhỏ ngay tại nhà (ở địa chỉ 49/23/9B Phạm Hồng Thái - Phường 10 - Đà Lạt) cũng đủ để chị em phụ nữ Đà Lạt thỏa mãn niềm đam mê kim chỉ, áo dài và làm đẹp cho chị em bốn phương qua các sản phẩm áo dài móc cao cấp và sang trọng. Gia đình hai thế hệ của chị Sơn bén duyên với đất Đà Lạt từ lâu và chị đã gắn bó với nghề dệt len từ thời trẻ nhờ công việc phụ trách kỹ thuật cho công ty dệt len xuất khẩu của Nhật những năm của thập niên 1990. Chị Sơn đã tích lũy nhiều kinh nghiệm về kỹ thuật, hiểu biết nghề dệt len, đan móc ở Đà Lạt và rèn luyện tay nghề thuần thục để rồi chọn hướng đi riêng, nâng tầm nghề đan móc đơn thuần trở thành nghề móc áo dài cao cấp mới của Đà Lạt với những nghệ nhân thực thụ.

Móc áo dài đòi hỏi tay nghề cao nên chị Sơn tuyển những người thợ theo nghề này là những người cùng tâm huyết, nhẫn nại theo nghề móc áo dài lắm công phu và thể hiện sự đẳng cấp của nghề đan móc. Mỗi sản phẩm làm ra là đứa con tinh thần của người nghệ nhân, tỉ mỉ, thận trọng trong từng đường kim mũi chỉ nên thành phẩm mỗi chiếc áo dài như là một tác phẩm nghệ thuật sáng tạo độc đáo không lặp lại.

Từ nguyên liệu đầu vào, thiết kế mẫu mã đều do chị Sơn sáng tạo, tuyển lựa và xử lý sợi bằng kỹ thuật riêng của mình cũng như chọn thợ để trao nghề. Việc chọn sợi như thế nào để móc lên chiếc áo dài có độ rủ mềm mại khoe đường cong gợi cảm của người phụ nữ, cho đến việc vẽ hoa văn, họa tiết trên tà áo...; tất cả đều tự tay chị Sơn thực hiện. Chiếc áo dài móc hoàn toàn bằng tay, từ mọi khâu, kể cả khi ráp tay, cổ, tà áo đều bằng kỹ thuật móc công phu nên một người thợ móc áo dài thuần thục trung bình mỗi năm chỉ móc khoảng 10 chiếc áo dài. Thu nhập bình quân của người thợ móc áo dài 4,5 triệu đồng/tháng. Chị Sơn chia sẻ: “Với nghề thủ công này, việc duy trì theo đuổi nghề là cả một niềm đam mê, yêu nghề và kiên nhẫn mới bám trụ được lâu dài”.

Dạy móc áo dài online

Theo nhu cầu thị trường, những năm gần đây, chị Sơn dành thời gian dạy online cho người học ở khắp mọi nơi qua mạng xã hội và đang có ý tưởng mở lớp trực tiếp hướng dẫn móc áo dài miễn phí cho những người đam mê để tiếp tục bảo tồn và phát triển nghề, vì chị lo sợ nghề thủ công này sẽ bị mai một bởi thu nhập không cao.

Chị Sơn cho biết: “Đến nay, qua 10 năm ra đời mô hình áo dài móc Đà Lạt, tôi đã đào tạo được hàng chục chị em tham gia trực tiếp sản xuất tại cơ sở và mở lớp hướng dẫn cho hơn 100 học viên trên toàn quốc, có một số học viên là kiều bào nước ngoài”.

Riêng dạy móc áo dài online chị có thu phí, 1 triệu đồng cho mỗi học viên học lâu dài, đến nay đã có hơn 100 học viên trong và ngoài nước học móc áo dài online từ chị Sơn. Nhiều người học với mục đích chủ yếu để tự tay móc áo dài cho mình và thỏa mãn niềm đam mê với nghề thủ công này. Để móc được 1 chiếc áo dài qua hướng dẫn online của chị Sơn, học viên phải trải qua hơn 4 tháng, có người lâu hơn vì còn tùy vào trình độ tay nghề và thời gian đầu tư cho công việc.

Nghiên cứu khoa học cho rằng, đan móc cũng là cách để giảm stress trong cuộc sống hiện đại, cho nên ngày càng có nhiều người chọn lựa học cách đan móc để cân bằng cuộc sống, rèn tính kiên trì, bền bỉ hoặc đơn giản chỉ để thư giãn, giải trí. Chị Sơn cùng những phụ nữ Đà Lạt theo nghề móc áo dài thủ công trải qua một chuỗi ngày dài sáng tạo không ngừng nghỉ để thổi hồn hiện đại vào chiếc áo dài truyền thống và để cho sản phẩm áo dài móc - một sản phẩm thủ công cao cấp của Đà Lạt đứng vững trên thị trường 10 năm là cả một nỗ lực vượt bậc trong thầm lặng của nữ doanh nhân Võ Thị Sơn.

AN NHIÊN
Theo baolamdong.vn

Top