Trồng dưa lưới Nhật Bản trên vùng đất lạnh Đà Lạt

Giống dưa lưới SAKATA có nguồn gốc từ Nhật Bản. Hiện, giống dưa này đang rất “hot” trên thị trường vì hương vị thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng và được một số nhà vườn trồng thử nghiệm thành công tại Đà Lạt.



Mô hình trồng dưa lưới của anh Trần Nhân Hiếu cho hiệu quả kinh tế cao


Thay vì trồng các loại cây truyền thống như rau, hoa, nhiều nông hộ và các Farm tại TP Đà Lạt đã trồng thử nghiệm dưa lưới trong nhà kính. Mô hình đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho nông dân Đà Lạt.

Sau khi tìm hiểu, học hỏi mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính từ nhiều địa phương, anh Trần Nhân Hiếu (ngụ tại đường Cao Bá Quát, Phường 7, TP Đà Lạt) đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích 1.000 m2 nhà kính chuyên trồng rau sang trồng dưa lưới. Giống dưa lưới mà gia đình anh Nhân trồng là giống dưa lưới SAKATA da xanh, ruột vàng - một giống dưa quý nguồn gốc, xuất xứ từ Nhật Bản, có vân lưới đều đẹp nên được thị trường, người tiêu dùng ưa chuộng.

Mặc dù, đây mới là vụ trồng thứ 2 nhưng theo anh Nhân, giống dưa lưới này sinh trưởng và phát triển khá phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng tại vùng đất lạnh như Đà Lạt. Quy trình chăm sóc cũng không quá khó, tương tự như các họ dưa khác mà nông dân Đà Lạt đang trồng.

Trên 1.000 m2 gia đình anh trồng từ 3.000 - 3.200 gốc dưa, mỗi dây nuôi 1 trái, cân nặng khi xuất bán từ 1 - 2,5 kg/trái. Thời gian từ lúc xuống giống đến lúc thu hoạch khoảng 90 ngày, có thể trồng dưới đất 2 vụ/năm hoặc 3 - 4 vụ/năm nếu trồng trên giá thể. Mỗi sào cho thu hoạch được từ 4 - 5 tấn, với giá bán sỉ bán cho các thương lái tại TP Đà Lạt từ bình quân 40.000 đồng/kg thì mỗi 1.000 m2 cho thu nhập hơn 200 triệu đồng.



Dưa lưới SAKATA vỏ xanh, ruột vàng, có vân lưới đều đẹp nên được thị trường, người tiêu dùng ưa chuộng


Do được trồng đúng quy trình theo công nghệ sạch, không sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật mà chỉ dùng các chế phẩm sinh học tự tạo nên vườn dưa của gia đình anh Nhân cho năng suất cao, bảo đảm an toàn thực phẩm. Đặc biệt, để có đầu ra ổn định cho sản phẩm, anh Nhân đã sử dụng 3 kênh phân phối, đó là liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với một số bạn bè tại các tỉnh lân cận như: Đồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, bán cho thương lái tại vườn và thông qua mạng xã hội như facebook, zalo để giới thiệu, bán sản phẩm.

Ông Trần Công Huy Phương - Đại diện Công ty SAKATA tại Đà Lạt cho biết: Tại Việt Nam, dưa lưới là loại cây trồng khá phổ biến. Tuy nhiên, do điều kiện đất đai, thời tiết, khí hậu, do đặc điểm thực vật học nên cây dưa được trồng chủ yếu ở miền Nam hoặc vùng có khí hậu nóng. Tuy nhiên, giống dưa SAKATA có nguồn gốc từ Nhật Bản lại rất phù hợp với vùng có khí hậu mát như Đà Lạt. Trong khi ở Việt Nam, độ ngọt của dưa lưới ở mức 11 - 20 độ Brix thì dưa lưới SAKATA được trồng tại đây có độ ngọt rất lý tưởng từ 14 - 16.

Trồng dưa lưới trong nhà kính góp phần làm đa dạng thêm các giống cây trồng mới, phù hợp nhu cầu thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế để bảo đảm tính bền vững trong sản xuất.

NGÂN GIANG
Theo http://baolamdong.vn/

Top