Từng bước đưa Ðà Lạt trở thành thành phố thông minh (bài 1)

Rất nhiều các hạng mục, các phần mềm trong chương trình xây dựng thành phố thông minh đã được Đà Lạt phát triển từ năm 2019 đến nay nhằm hỗ trợ công tác quản lý, tạo ra sự kết nối giữa người dân với chính quyền, giúp du khách tìm hiểu mọi lĩnh vực liên quan đến du lịch trên địa bàn khi đến thành phố này.

 Bài 1: Tăng sự kết nối giữa chính quyền và người dân


Nhiều hạng mục đã và đang được triển khai, có hạng mục đã hoàn thành đưa vào vận hành, còn lại đang hoàn thiện, có hạng mục được đưa vào kế hoạch cho những năm tới. Đà Lạt đến nay đang từng bước xây dựng các cơ sở hạ tầng kỹ thuật để hướng đến một thành phố thông minh.

 Xử lý thông tin tại Trung tâm Điều hành thông minh IOC Đà Lạt


• TÍCH HỢP CÁC HỆ THỐNG

Tháng 12/2019, Trung tâm Điều hành thông minh TP Đà Lạt (Trung tâm IOC - Intelligent Operation Center) chính thức đưa vào vận hành. Mục tiêu đặt ra cho Trung tâm IOC này nhằm cung cấp thông tin toàn diện các hoạt động đang diễn ra trên địa bàn thành phố thông qua khả năng giám sát và quản lý từ tổng thể đến chi tiết. Cụ thể như các chỉ tiêu đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội, giám sát trực quan trên bản đồ số, tình hình chất lượng dịch vụ y tế, việc xử lý phản ánh về bất cập đô thị, tình hình giao thông; quản lý thủ tục cấp phép xây dựng, việc thực hiện các văn bản chỉ đạo điều hành và giải quyết dịch vụ hành chính công...

Cho đến nay, Trung tâm IOC Đà Lạt đã được tích hợp với các hệ thống thông tin trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đảm bảo tính chân thực, chính xác; trong đó có các hệ thống đang cung cấp dữ liệu thời gian thực tại trung tâm, giám sát và điều hành chỉ tiêu báo cáo, thống kê; hiệu quả hoạt động của chính quyền và độ hài lòng của người dân; an ninh trật tự công cộng; các lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch, quản lý sử dụng đất đai. Cùng đó Trung tâm cũng tích hợp hiển thị các ứng dụng trên thiết bị di động như “Đà Lạt trực tuyến”, “Quy hoạch Đà Lạt”, các ứng dụng trong giáo dục, du lịch, việc làm Lâm Đồng...

Trước đó, đầu tháng 6/2019, phần mềm ứng dụng “Đà Lạt trực tuyến - Igov Connect” cũng được Đà Lạt triển khai. Với các tính năng đăng ký số trực tuyến, thông báo số thứ tự, tra cứu hồ sơ, tra cứu thủ tục hồ sơ; nộp hồ sơ qua mạng, phần mềm này còn hỗ trợ cơ quan chức năng đánh giá dịch vụ công; phản ánh hiện trường; liên kết các số liệu báo cáo phục vụ quản lý điều hành tại Trung tâm Điều hành IOC. Ứng dụng còn liên kết với các ứng dụng có liên quan khác như VneID; VssID; vnEdu Connect; Lâm Đồng trực tuyến; Việc làm Lâm Đồng; Quy hoạch Đà Lạt; Đà Lạt City.

Theo Phòng Văn hóa - Thông tin Đà Lạt, ứng dụng “Đà Lạt trực tuyến” đến nay được người dân thành phố đánh giá cao; đặc biệt là các tính năng đăng ký số trực tuyến, thông báo số thứ tự giúp công dân, tổ chức chủ động trong việc lấy số và liên hệ Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả thành phố; phản ánh tại hiện trường; tra cứu thông tin quy hoạch sử dụng đất. Ứng dụng này còn tích hợp chương trình du lịch, việc làm, giáo dục và bản đồ, địa chỉ các cơ quan nhà nước trên địa bàn TP Đà Lạt; Bảo hiểm xã hội; lao động việc làm.

Đặc biệt, trong năm 2023, ứng dụng Đà Lạt trực tuyến - Igov Connect đã bổ sung thêm tính năng dự báo hồ sơ sắp trễ hạn cùng bộ chỉ số điều hành và số liệu kinh tế xã hội. Trong đó, tính năng hồ sơ sắp trễ hạn giúp thành phố và phường, xã theo dõi cảnh báo hồ sơ của đơn vị mình sắp đến hạn giải quyết để các đơn vị tăng cường xử lý các hồ sơ trễ hạn, tiến đến không còn hồ sơ trễ hạn trên địa bàn. Còn bộ chỉ số điều hành có chức năng phân tích, đánh giá dự báo các số liệu có liên quan đến thu, chi ngân sách; giải ngân vốn đầu tư công; lượng khách du lịch đến TP Đà Lạt; phản ánh trực tuyến; cấp phép xây dựng nhà ở; trật tự xây dựng; giải quyết hồ sơ; xử lý đơn thư; quản lý, bảo vệ rừng; an toàn giao thông, giúp lãnh đạo thành phố theo dõi, dự báo và đưa ra định hướng trong chỉ đạo điều hành.

• PHÁT HUY HIỆU QUẢ CÁC ỨNG DỤNG

Đà Lạt đã triển khai phiên bản Văn phòng điện tử (iOffice) 3.0 từ tháng 10/2015; đến đầu năm 2022, thành phố nâng cấp lên phiên bản 5.0. Toàn bộ văn bản trên hệ thống được chuyển sang tiếp tục sử dụng trên phiên bản mới này.

Hệ thống quản lý văn bản và điều hành - VNPT iOffice là hệ thống quản lý văn bản và điều hành công việc điện tử giúp các cơ quan nhà nước hiện thực hóa việc xây dựng một văn phòng điện tử không giấy tờ. Hệ thống được thiết kế gắn liền với quy trình nghiệp vụ xử lý công việc của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước để quản lý văn bản đến và đi; quản lý hồ sơ lưu trữ; theo dõi xử lý văn bản; quản lý công việc; gửi tin nhắn; gửi nhận văn bản; nhắc việc; quản lý thông tin điều hành và lịch công tác; gửi tin nhắn nội bộ và trao đổi công việc; quản trị hệ thống danh mục... Trong tháng 5/2023, Đà Lạt đã khai báo thêm cho các trường học trực thuộc UBND thành phố, nâng tổng số đơn vị sử dụng hệ thống này lên 124 (gồm 42 đơn vị cấp thành phố; 16 phường, xã; 33 trường mầm non; 27 trường tiểu học và 6 trường trung học cơ sở).

Đà Lạt cũng đang sử dụng phần mềm Một cửa điện tử iGate, do VNPT phát triển để giải quyết các thủ tục hành chính tại các cơ quan nhà nước theo cơ chế một cửa với các chức năng chính như tiếp nhận hồ sơ, thụ lý hồ sơ, ký duyệt hồ sơ, theo dõi quản lý, tra cứu kết quả giải quyết hồ sơ, tra cứu danh mục, trình tự, thủ tục hành chính...

Cùng đó, có không ít các ứng dụng khác được sử dụng tại TP Đà Lạt đến nay cũng đang phát huy hiệu quả. Điển hình như ứng dụng “Cổng thông tin quy hoạch”, ứng dụng hỗ trợ “Cấp phép xây dựng”, Phần mềm “Xử phạt hành chính trên lĩnh vực xây dựng và văn hóa”, phần mềm “Quản lý thông tin đăng ký hộ kinh doanh”, ứng dụng du lịch...

Ứng dụng “Cổng thông tin quy hoạch” nhằm cung cấp thông tin quy hoạch trên địa bàn Đà Lạt; được đưa vào sử dụng từ năm 2019, có thể cài đặt trên điện thoại thông minh. Ứng dụng này được ngành chức năng thường xuyên cập nhật các quy hoạch, đáp ứng nhu cầu sử dụng tra cứu và khai thác có hiệu quả các thông tin quy hoạch trên địa bàn TP Đà Lạt. Hiện, ngành chức năng Đà Lạt đang phối hợp với VNPT Lâm Đồng, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký Đất đai TP Đà Lạt, Phòng Tài Nguyên và Môi trường cập nhật thêm các quy hoạch phân khu, làm mới dữ liệu cũng như các quy hoạch chi tiết và sửa những lỗi tác nghiệp phát sinh.

Ứng dụng hỗ trợ “ Cấp phép xây dựng” được Đà Lạt triển khai từ năm 2018, chính thức đưa vào sử dụng sau đó. Ứng dụng này đến nay đang phát huy được hiệu quả trong quản lý, thống kê được số hồ sơ nhận, trả đúng hay trễ hạn tại các khâu nào trong quy trình cấp phép.

Bên cạnh đó, phần mềm “Xử phạt hành chính trên lĩnh vực xây dựng và văn hóa”, được đưa vào sử dụng trong cuối năm 2020, đến nay đang hỗ trợ thành phố quản lý tổng số quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã ban hành, tổng số tiền xử phạt; thuận tiện trong tổng hợp, thống kê, báo cáo; quản lý hồ sơ chính xác...

Để cung cấp thông tin cho du khách, Đà Lạt lâu nay cũng xây dựng Cổng thông tin du lịch Đà Lạt (website https://dalat.vn) cùng ứng dụng cài đặt trên điện thoại thông minh, giúp du khách tìm kiếm các thông tin liên quan đến du lịch trên địa bàn Đà Lạt và một số vùng lân cận. Ứng dụng này còn cung cấp số điện thoại đường dây nóng, có mục du khách phản hồi ý kiến của mình về chất lượng dịch vụ, các thông tin tiêu cực, giá cả, sự cố phát sinh... đến các cơ quan chức năng để can thiệp và xử lý kịp thời. Ứng dụng Dalat City không chỉ cung cấp cho người dân, du khách và doanh nghiệp đầy đủ các thông tin chi tiết về tin tức, sự kiện, lưu trú, ẩm thực, giải trí, địa điểm tham quan, mua sắm, tiện ích, lữ hành... mà còn hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đơn vị, công ty lữ hành khi tham gia vào ứng dụng này các doanh nghiệp có thể quảng bá rộng rãi công việc kinh doanh của mình mà không tốn bất kỳ chi phí nào.

TP Đà Lạt cũng triển khai hệ thống ghi hình “Camera tầm cao” từ cuối năm 2020 và đưa vào hoạt động từ tháng 3/2021, đến nay đã lắp đặt được 37 máy ghi hình (camera) tại 21 vị trí hỗ trợ công tác quản lý, giúp giảm thiểu việc vi phạm trật tự xây dựng, bảo vệ rừng, đảm bảo an ninh trật tự. Cùng đó, hệ thống điều hành, giám sát giao thông với 25 máy ghi hình thông minh tại 7 nút giao thông có lắp đặt đèn tín hiệu giao thông; tích hợp 3 máy ghi hình từ hệ thống thử nghiệm giám sát giao thông, 7 máy ghi hình tại các cửa ngõ ra vào thành phố. Các máy ghi hình này giúp phân tích hình ảnh hành vi vi phạm giao thông đường bộ đối với các phương tiện tham gia giao thông.

• THỬ NGHIỆM NHIỀU PHẦN MỀM, ỨNG DỤNG MỚI

Nhiều phần mềm, ứng dụng hiện đang được Đà Lạt thử nghiệm để đưa vào sử dụng trong thời gian đến.

Như phần mềm “Quản lý nâng cao hiệu quả thu ngân sách”, trọng tâm là việc ứng dụng bản đồ số kinh doanh đang được Chi cục Thuế Đà Lạt triển khai từ tháng 5/2023, hỗ trợ cho công tác quản lý thuế theo hướng công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận cho người nộp thuế. Cùng đó là việc công khai thông tin giấy phép xây dựng tạo điều kiện để người dân giám sát cùng chính quyền, góp phần ngăn chặn tình trạng xây dựng không phép, tăng được nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Thông qua phần mềm này, việc liên thông giữa Chi cục Thuế khu vực Đà Lạt - Lạc Dương, Phòng Tài chính - Kế hoạch Đà Lạt, Phòng Quản lý đô thị Đà Lạt đã được điện tử hóa, dữ liệu được kết nối theo thời gian thực, đảm bảo tính chính xác, nhanh chóng, kịp thời khi xử lý công vụ. Việc quản lý địa bàn của công chức thuế trở nên đơn giản hơn khi ứng dụng cho phép dẫn đường chính xác tới địa chỉ của các hộ kinh doanh, cũng như điểm cấp phép xây dựng; công tác quản lý nghĩa vụ thuế của người nộp thuế xây dựng cơ bản được số hóa, ứng dụng hỗ trợ hoàn toàn việc in biên bản, ghi nhập số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế đã nộp, khiến việc quản lý trở nên dễ dàng, chính xác hơn.

Phần mềm “Quản lý biển số nhà” cũng đang được Đà Lạt xây dựng với kinh phí đầu tư trên 2 tỷ đồng, nhằm kết nối cơ sở dữ liệu đất đai, đồng bộ hóa với cơ sở dữ liệu biển số nhà để làm cơ sở tra cứu thông tin thửa đất bằng địa chỉ. Phần mềm này dự kiến hoàn tất trong năm 2024 đến. Một phần mềm khác, phần mềm “Quản lý Y tế” cũng đang được thử nghiệm nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu ngành Y tế thành phố, góp phần vào việc lập kho dữ liệu dùng chung; hỗ trợ và tăng cường hiệu quả trong công tác cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; lập và triển khai thực hiện các kế hoạch kiểm tra, sau kiểm tra các cơ sở thuộc lĩnh vực quản lý. Hiện, Phòng Y tế Đà Lạt đang phối hợp với VNPT để hoàn thiện các nội dung và đưa vào sử dụng trong cuối năm 2023.

TP Đà Lạt cho biết, hiện cũng đang đầu tư phần mềm “Quản lý tuyển quân”, nhằm tập hợp các quy trình về công tác tuyển quân, quản lý công dân trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ, quản lý dân quân dự bị và dân quân tự vệ... để đưa vào sử dụng trong thời gian đến.

 

Nguồn: Báo Lâm Đồng

Tác giả: Viết Trọng

https://baolamdong.vn/xa-hoi/202312/tung-buoc-dua-a-lat-tro-thanh-thanh-pho-thong-minh-bai-1-e3f1381/

 

Top