Từng bước đưa Đà Lạt trở thành thành phố thông minh (bài 2)

Bài 2: Đẩy nhanh các hạng mục

UBND TP Đà Lạt yêu cầu các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì các nhiệm vụ, dự án cần đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư đã được giao, khai thác, vận hành thử nghiệm và hoàn thiện các phần mềm, nhanh chóng thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định.

Cả 4 nhiệm vụ nông nghiệp thông minh đều được TP Đà Lạt triển khai cho đến nay. Trong ảnh: một doanh nghiệp nông nghiệp đang vận hành hệ thống tưới nước tự động cho cây trồng thông qua điện thoại thông minh


• NHIỀU HẠNG MỤC TIẾP TỤC ĐƯỢC ĐẦU TƯ

Để xây dựng Đà Lạt thành thành phố thông minh, UBND TP Đà Lạt cho biết, thành phố đã có 17 nhiệm vụ được thực hiện, đồng thời cũng xác định 8 hạng mục triển khai cho giai đoạn 2023-2025.

Cụ thể, tính đến cuối tháng 10/2023, trong 6 nhiệm vụ xây dựng hạ tầng thông minh, thành phố đã triển khai 4 nhiệm vụ gồm xây dựng Trung tâm Điều hành thông minh IOC; xây dựng hệ thống camera tầm cao; xây dựng cơ sở dữ liệu không gian đô thị; xây dựng bản đồ số trên nền Gis; hiện đang thực hiện nhiệm vụ thứ 5 hoàn thiện hạ tầng, đảm bảo an toàn thông tin và dự kiến trong năm 2024 thành phố thực hiện nhiệm vụ còn lại giải pháp điện toán “đám mây Cloud” trong lưu trữ dữ liệu.

Trong y tế thông minh, có 5 nhiệm vụ, nhưng đến nay mới chỉ có 1 nhiệm vụ được thực hiện, đó là việc thanh toán, tiếp nhận thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở y tế; 4 nhiệm vụ chưa triển khai thực hiện gồm khám, chữa bệnh từ xa; hồ sơ sức khỏe, bệnh án điện tử; quản lý xét nghiệm, tiêm chủng và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ, phân tích, chẩn đoán bệnh; xây dựng ứng dụng dự báo dịch bệnh có thể xuất hiện thời gian đến.

Về giáo dục thông minh, có 5 nhiệm vụ, đến nay thành phố đã triển khai các nhiệm vụ tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên: tuyên truyền, thống nhất nhận thức về chuyển đổi số giáo dục trong đội ngũ giáo viên, học sinh; ứng dụng phương pháp STEM và STEAM trong dạy học từ mầm non đến tiểu học; đảm bảo hạ tầng công nghệ thông tin cho giáo dục theo hướng hiện đại, thiết thực. Trong triển khai dạy, học từ xa,

ngành Giáo dục Đà Lạt đã ứng dụng công nghệ thông tin tập huấn cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Cùng với đó là thanh toán, tiếp nhận thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở giáo dục từ bậc mầm non, tiểu học đến trung học cơ sở. Trong năm 2024, thành phố tiếp tục đầu tư trang thiết bị để đưa vào sử dụng phòng học thông minh (3 phòng học đối với từng cấp học).

Phát triển du lịch thông minh cũng có 5 nhiệm vụ. Tuy nhiên, như Phòng Văn hóa - Thông tin Đà Lạt cho biết, Cổng thông tin Du lịch Đà Lạt với các ứng dụng thông minh hiện nay do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng chủ trì, chưa có văn bản bàn giao cho thành phố nên nhiều nhiệm vụ trong cổng thông tin này chưa được thực hiện được như việc nâng cấp phần mềm Du lịch Đà Lạt; đảm bảo đặt phòng, thanh toán; tích hợp thực tế ảo với công nghệ mới; sử dụng vé điện tử tại các điểm du lịch. Hầu hết các điểm, khu du lịch trên địa bàn Đà Lạt hiện nay đã cơ bản phủ sóng và cung cấp dịch vụ internet không dây (kết nối wifi) miễn phí. Riêng nhiệm vụ “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ công tác quản lý của cơ quan nhà nước”, thành phố dự kiến triển khai trong giai đoạn 2024-2025.

Với nông nghiệp thông minh, cả 4 nhiệm vụ đặt ra đều được thành phố đang triển khai gồm sử dụng trí tuệ nhân tạo, IoT (internet vạn vật) trong sản xuất; sử dụng mã QR để truy xuất nguồn gốc nông sản được sản xuất tại Đà Lạt; quảng bá các sản phẩm nông nghiệp Đà Lạt lên sàn giao dịch thương mại điện tử. Trong năm 2024, thành phố sẽ triển khai nhiệm vụ chuyển giao dự án, các phần mềm trong dự tính sản lượng, dự báo sâu bệnh hại cây trồng.

Lĩnh vực môi trường thông minh có 4 nhiệm vụ, thành phố đã thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền phân loại rác thải tại nguồn, quản lý nguồn nước ngầm đồng thời đang nghiên cứu đề xuất các giải pháp quản lý môi trường thông minh bao gồm sử dụng cảm biến IoT trong phân tích ô nhiễm không khí, nguồn nước, âm thanh, ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm...; sử dụng năng lượng tái tạo các thiết bị điện tử ít gây tác hại đến môi trường.

Về giao thông thông minh có 3 nhiệm vụ, Đà Lạt đến nay đã hoàn thiện nhiệm vụ xây dựng Trung tâm Điều hành và giám sát giao thông và đang tiếp tục tích hợp các công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong phân tích mật độ giao thông, dự đoán tình hình giao thông, thông qua ứng dụng hướng dẫn, phân luồng giao thông, phạt nguội tại các nút giao thông; đồng thời, nghiên cứu đề xuất giải pháp IoT trong các bãi đỗ xe trên địa bàn thành phố, tích hợp vào phần mềm Du lịch Đà Lạt, hỗ trợ tài xế tìm điểm đỗ xe còn trống gần nhất.

Trong chiếu sáng thông minh có 2 nhiệm vụ và đều được thành phố triển khai gồm đầu tư hệ thống đèn LED và giải pháp sử dụng IoT, AI,... phân tích, lập lịch, giám sát, nhận diện ánh sáng trong ngày nhằm bật và tắt đèn đường theo thực tế (theo mùa).

• THÚC ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ

Theo nhận xét của UBND TP Đà Lạt , hầu hết các đơn vị trên địa bàn đến nay cơ bản đã triển khai các nhiệm vụ được giao trong công tác chuyển đổi số và xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố thông minh. Các đơn vị đã chủ động liên hệ với các đơn vị tư vấn, cung cấp dịch vụ để tham mưu UBND TP Đà Lạt đầu tư dự án. Hầu hết các hệ thống, các phần mềm, ứng dụng khi đưa vào sử dụng đều phát huy trong các hoạt động nghiệp vụ của các cơ quan, đơn vị, hỗ trợ phục vụ người dân lẫn cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, một số nhiệm vụ, dự án trong kế hoạch chuyển đổi số năm 2023 của thành phố còn chậm tiến độ hoặc chưa triển khai thực hiện theo lộ trình đã đề ra trong đó có 8/21 dự án chưa triển khai. Cùng với đó, một số đơn vị được giao nhiệm vụ chưa xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định rõ nhiệm vụ, thời gian hoàn thành để triển khai các nhiệm vụ xây dựng TP Đà Lạt trở thành thành phố thông minh như các hạng mục trong y tế thông minh và môi trường thông minh.

Chính vì vậy, UBND TP Đà Lạt đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì các nhiệm vụ, dự án cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư đã được giao, khai thác, vận hành thử nghiệm và hoàn thiện các phần mềm (phần mềm Quản lý nâng cao hiệu quả thu ngân sách, phần mềm Quản lý Y tế, phần mềm Quản lý nhà, phần mềm Quản lý Biển số nhà Đà Lạt, phần mềm Quản lý tuyển quân,...), nhanh chóng thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định.

Đối với các nhiệm vụ, dự án đã trình xin chủ trương đầu tư nhưng chưa thống nhất, UBND thành phố yêu cầu các đơn vị tiếp tục điều chỉnh, bổ sung và đưa vào triển khai thực hiện (như đầu tư hệ thống truyền thanh thông minh; đầu tư nâng cấp IPv4 lên IPv6, hạ tầng mạng, bảo mật; thuê phần mềm quản lý, theo dõi thu chi ngân sách và nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản; đăng ký dịch vụ nhắn tin quảng bá các sản phẩm thành phố thông minh và thông báo quan trọng của TP Đà Lạt). Đối với các nhiệm vụ, dự án chưa triển khai hoặc đề xuất không triển khai theo kế hoạch, các cơ quan, đơn vị cần báo cáo UBND thành phố nêu rõ nguyên nhân, dự kiến thời gian triển khai thực hiện hoặc đề xuất dự án thay thế đảm bảo thiết thực, hiệu quả và phù hợp với nhiệm vụ chuyên môn gắn với công tác chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh.

 

Nguồn: Báo Lâm Đồng

Tác giả: Viết Trọng

https://baolamdong.vn/xa-hoi/202312/tung-buoc-dua-da-lat-tro-thanh-thanh-pho-thong-minh-bai-2-df5214b/

Top