Tăng cường quản lý và bình ổn giá dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn

Ngày 17/1, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Ban Chỉ đạo 389 tỉnh; Chi cục Dự trữ Nhà nước Lâm Đồng; Giám đốc/Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ thuộc thẩm quyền, lĩnh vực phụ trách để tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Chợ Đà Lạt

Trước đó, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã chỉ đạo Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương có kế hoạch chuẩn bị hàng hoá và đảm bảo cân đối cung, cầu hàng hóa, ổn định nguồn hàng, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các sở ngành, địa phương liên quan hướng dẫn các doanh nghiệp, các thương nhân trên địa bàn tỉnh có kế hoạch đảm bảo nguồn hàng đầy đủ, kịp thời đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân và du khách, nhất là người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào thiểu số, với giá cả ổn định, không để tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, tránh tình trạng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và ổn định tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Yêu cầu hàng hoá dự trữ, bình ổn thị trường phải đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Mức dự trữ hàng hóa phải đảm bảo cân đối cung cầu hàng hoá trên thị trường đối với một số mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng của nhân dân, tránh tình trạng khan hiếm hàng hóa, tăng giá đột biến.

Ngoài ra, cần gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, vận động các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh hàng hoá thiết yếu tham gia chương trình bình ổn bằng hình thức tổ chức bán hàng lưu động đưa hàng Việt về nông thôn.

Đối với các hệ thống phân phối trên địa bàn tỉnh (siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bách hóa), các doanh nghiệp sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm trên địa bàn tỉnh cần tạo chuỗi cung ứng đảm bảo hàng hóa thiết yếu phục vụ người tiêu dùng được liên tục và ổn định.

UBND tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh cần phải tập trung vào các nhóm hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu của người dân, du khách; ưu tiên các hàng hóa sản xuất trong nước. Cụ thể là nhóm lương thực; nhóm thực phẩm (thịt, cá, trứng, sữa,...); nhóm thực phẩm tươi sống (rau, củ, quả,...); nhóm xăng, dầu.

Với những chỉ đạo này của UBND tỉnh Lâm Đồng sẽ góp phần đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân và du khách trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và ổn định tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

 

* Trước đó, ngày 9/1, Bộ Tài chính đã có Chỉ thị nêu rõ, dự báo năm 2024 tiếp tục có nhiều yếu tố biến động khó lường của thị trường thế giới do tác động từ các xung đột chính trị, việc các quốc gia ngày càng có xu hướng bảo hộ thị trường trong nước, tăng cường dự trữ quốc gia sẽ ảnh hưởng đến cung, cầu hàng hóa khiến giá cả có thể diễn biến phức tạp.

Lâm Đồng tăng cường công tác quản lý giá, bình ổn thị trường Tết 2024

Nhằm tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, tổ chức thuộc Bộ Tài chính; Giám đốc Sở Tài chính, Cục trưởng Cục thuế, Giám đốc Kho bạc nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cục Trưởng Cục hải quan, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính, Cục trưởng Cục dự trữ nhà nước khu vực theo chức năng nhiệm vụ chủ động triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả một số nhiệm vụ và giải pháp. Theo dõi sát tình hình kinh tế - chính trị và lạm phát thế giới tác động đến Việt Nam để có giải pháp ứng phó phù hợp; cập nhật tình hình cung cầu, giá cả thị trường trong nước để kịp thời tham mưu các biện pháp quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường, nhất là trong thời điểm trước, trong và sau tết tránh để xảy ra các biến động bất thường ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội; tăng cường công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; kiểm soát chặt chẽ việc kê khai, quyết toán thuế, công tác hoàn thuế.

Cục Quản lý giá chủ động xây dựng kịch bản điều hành giá năm 2024 và tham mưu, đề xuất các biện pháp quản lý, điều hành giá phù hợp; kiểm tra theo thẩm quyền các tổ chức, cá nhân việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá khi cần thiết hoặc theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền.

Các Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành chủ động tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trên địa bàn. Trong đó, cơ quan quản lý đặc biệt lưu ý đến các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ trực tiếp nhu cầu của người dân như nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống, dịch vụ du lịch, tham quan, dịch vụ vận chuyển hành khách... và các mặt hàng thiết yếu khác liên quan đến sản xuất để kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh các biện pháp bình ổn giá.

Tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại cuối năm đối với các cơ quan thuộc Bộ Tài chính đóng tại địa phương như hải quan, thuế, dự trữ nhà nước… Đồng thời, các Cục Hải quan tăng cường công tác quản lý rủi ro, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý các hành vi vi phạm; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh các hoạt động phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả tại các tuyến và địa bàn trọng điểm thuộc địa bàn quản lý của đơn vị.

Ban chỉ đạo 389 Bộ Tài chính tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thuộc Bộ Tài chính thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo Kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.

Nguồn: Báo Lâm Đồng

https://baolamdong.vn/doi-song/202401/tang-cuong-quan-ly-va-binh-on-gia-dip-tet-nguyen-dan-giap-thin-5811a12/

Top