QUY HOẠCH LÂM ÐỒNG ĐẾN NĂM 2030: Trở thành nơi đáng đến, đáng sống?

Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong định hướng phát triển của tỉnh với những định hướng đầy tham vọng, hứa hẹn đưa Lâm Đồng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương hiện đại, xanh, thông minh và đáng sống trong tương lai.

TP Đà Lạt hiện là điểm du lịch khá hấp dẫn du khách trong nước

• MỤC TIÊU SẼ TRỞ THÀNH ĐIỂM ĐÁNG ĐẾN, ĐÁNG SỐNG

Theo nội dung quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Lâm Đồng sẽ phát triển trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện; xây dựng TP Đà Lạt và vùng phụ cận thành trung tâm du lịch chất lượng cao mang tầm khu vực Đông Nam Á.

Cụ thể, Lâm Đồng sẽ tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, tăng năng suất, đổi mới, sáng tạo; tập trung phát triển các ngành Công nghiệp, dịch vụ; cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Phấn đấu đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt 170 triệu đồng/người.

Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần Nhân dân; phát triển giáo dục, y tế, khoa học công nghệ; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên; quản lý và bảo vệ rừng; xử lý ô nhiễm môi trường; bảo vệ các giá trị cốt lõi về thiên nhiên và lịch sử văn hóa.

Tập trung hoàn thiện các tuyến giao thông kết nối, tăng cường liên kết với các tỉnh trong khu vực; xây dựng hệ thống đô thị bền vững; hình thành các tổ hợp về du lịch, dịch vụ và công nghiệp và phát triển du lịch chất lượng cao, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc, tài nguyên thiên nhiên và liên kết vùng.

Mục tiêu đến năm 2050, tỉnh Lâm Đồng đạt các tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương hiện đại, có bản sắc, xanh, thông minh và đáng sống.

• CÁC NGÀNH KINH TẾ TRỌNG YẾU: NÔNG NGHIỆP, DỊCH VỤ VÀ CÔNG NGHIỆP - XÂY DỰNG

Tập trung phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ, tạo nền tảng cho các ngành kinh tế trọng yếu bao gồm nông nghiệp, dịch vụ và công nghiệp - xây dựng.

Trong đó, đối với ngành nông, lâm, thủy sản, sẽ phát triển hệ thống giao thông kết nối các vùng sản xuất nông nghiệp với khu vực chế biến,thị trường tiêu thụ, cảng biển, sân bay. Nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp.

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống đập, hồ chứa nước, hệ thống tưới tiêu nước thông minh, tiết kiệm. Áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng nước.

Xây dựng hệ thống kho lạnh, bảo quản hiện đại để bảo quản nông sản sau thu hoạch, giảm thiểu hao hụt, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Hạ tầng logistics, tập trung phát triển trung tâm logistics kết nối các khu vực sản xuất, chế biến và thị trường tiêu thụ nông sản.

Về dịch vụ, tỉnh sẽ tập trung vào phát triển hệ thống khu du lịch, điểm tham quan, khu nghỉ dưỡng chất lượng cao. Nâng cấp các tuyến đường giao thông, sân bay, bến xe, ga tàu để đáp ứng nhu cầu du lịch ngày càng tăng. Xây dựng các trung tâm thương mại hiện đại, khu mua sắm sầm uất, chợ đầu mối. Phát triển hạ tầng thương mại điện tử, thanh toán số. Xây dựng trường học, bệnh viện hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập, chăm sóc sức khỏe của người dân. Xây dựng các khu vui chơi giải trí, sân vận động, bảo tàng, nhà hát hiện đại.

Về công nghiệp - xây dựng, đến năm 2030, phát triển các khu công nghiệp hiện đại, thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời. Nâng cấp hệ thống lưới điện, đảm bảo cung cấp đủ điện cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt. Phát triển hệ thống giao thông kết nối các khu công nghiệp với khu vực chế biến, thị trường tiêu thụ. Nâng cấp các tuyến đường giao thông, cầu cống để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, sản phẩm công nghiệp.

• TỐI ƯU HÓA MẠNG LƯỚI HÀNH CHÍNH

Nhằm mục tiêu tối ưu hóa mạng lưới hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, giai đoạn 2023 2025, tỉnh định hướng sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã như sau:

ĐVHC thuộc diện phải sắp xếp, cấp huyện có 2 đơn vị (Đạ Huoai, Cát Tiên); cấp xã: 2 đơn vị (Triệu Hải, Quảng Lập)...

• XÂY DỰNG 3 TIỂU VÙNG

Vùng liên huyện Đông Bắc (Tiểu vùng I): TP Đà Lạt mở rộng và các huyện lân cận trở thành trung tâm du lịch cao cấp quốc gia, khu vực và quốc tế. Phát triển TP Đà Lạt thành "thành phố Di sản thế giới". Ưu tiên phát triển du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, dược liệu. Bảo vệ di sản thiên nhiên, Khu dự trữ sinh quyển Lang Biang, Khu dự trữ thiên nhiên Đơn Dương.

Vùng liên huyện trung chuyển (Tiểu vùng II): Phát triển vùng chuyên canh cây công nghiệp, dược liệu, chăn nuôi, chế biến và du lịch. Bảo vệ và phát triển rừng, đa dạng sinh học và phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch thể thao, nghỉ dưỡng, sinh thái.

Vùng liên huyện Tây Nam (Tiểu vùng III): TP Bảo Lộc là trung tâm kinh tế, động lực phía Tây Nam. Tập trung phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa, vui chơi giải trí; Phát triển công nghiệp chế biến Bauxite, nhôm, năng lượng; Trồng cây ăn trái, cây công nghiệp chất lượng cao.

Quy hoạch Lâm Đồng 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đóng vai trò nền tảng cho các quy hoạch chi tiết khác trên địa bàn tỉnh, bao gồm quy hoạch đô thị, nông thôn, sử dụng đất và các quy hoạch chuyên ngành. Trong đó, UBND tỉnh Lâm Đồng có trách nhiệm chính trong việc thực hiện quy hoạch này, bao gồm: Công bố, công khai quy hoạch để đảm bảo người dân và các bên liên quan được tiếp cận thông tin quy hoạch đầy đủ; Rà soát, cập nhật số liệu, bản đồ, cơ sở dữ liệu đảm bảo tính chính xác và thống nhất; Xây dựng kế hoạch thực hiện; Ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai quy hoạch; Lập và điều chỉnh quy hoạch chi tiết đảm bảo đồng bộ với quy hoạch chung của tỉnh; Giám sát việc thực hiện quy hoạch, xử lý vi phạm; Cập nhật quy hoạch khi có thay đổi về quy hoạch cấp quốc gia hoặc vùng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin trong hồ sơ quy hoạch và việc thực hiện quy hoạch.

Nội dung quy hoạch đang nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân và được thảo luận sôi nổi ở nhiều nơi về tính khả thi của các mục tiêu mà quy hoạch đề ra. Bên cạnh nhiều ý kiến bày tỏ tin tưởng, ủng hộ, cũng có không ít ý kiến băn khoăn về khả năng hiện thực nội dung quy hoạch.

Chia sẻ về đồ án quy hoạch tỉnh giai đoạn này, ông Lê Văn Tiến (ngụ Thôn 5, Đạ Kho, Đạ Tẻh) bày tỏ: “Tôi thấy quy hoạch cấp tỉnh này đã được thiết kế phù hợp với vị trí địa lý của Lâm Đồng trong khu vực Tây Nguyên, đồng thời, chỉ ra một hướng rõ ràng về việc kết nối kinh tế với các tỉnh Nam Bộ, đặc biệt là Đồng Nai - TP Hồ Chí Minh. Điều này cung cấp một cơ sở rõ ràng cho quy hoạch phát triển giao thông và năng lượng điện. Đáng chú ý, quy hoạch mới cũng đã xác định mục tiêu phát triển bền vững, tập trung vào bảo vệ và phát triển kinh tế dựa trên nguồn tài nguyên rừng”.

Ông cũng cho rằng, việc định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp chất lượng cao trong quy hoạch tỉnh là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, quá trình triển khai quy hoạch chi tiết cần đánh giá kỹ lưỡng mối quan hệ giữa sự bền vững và loại hình kinh tế này, bao gồm các yếu tố như nhà kính và tác động của biến đổi khí hậu đến môi trường.

Quy hoạch được kỳ vọng sẽ tạo động lực mạnh mẽ để địa phương phát triển. Tuy nhiên, để quy hoạch đi vào cuộc sống là nhiệm vụ không hề dễ dàng, đòi hỏi sự quyết tâm cao của hệ thống chính trị và sự đồng thuận, tham gia tích cực của Nhân dân. Tại các hội thảo bàn về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, do tính chất chi phối và dài hạn của quy hoạch nên quá trình triển khai thực hiện, các địa phương cần tuân thủ những định hướng đã đề ra. Quy hoạch khi áp dụng vào thực tiễn chắc chắn sẽ phát sinh những bất cập, cần phải điều chỉnh. Khi quy hoạch, phải tiến hành rà soát tổng thể xem có "vênh" nhau hay không. Quy hoạch cấp dưới hoặc quy hoạch các ngành, lĩnh vực phải phù hợp với quy hoạch tỉnh (thành phố).

Còn ông Vũ Đình Đông, sĩ quan quân đội đang công tác tại Đà Lạt bày tỏ: Tôi đánh giá cao ý tưởng quy hoạch Lâm Đồng 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong việc đưa tỉnh nhà phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, để biến quy hoạch thành hiện thực, cần lập và điều chỉnh quy hoạch chi tiết đảm bảo đồng bộ với quy hoạch chung của tỉnh. Việc triển khai tốt quy hoạch này cũng đòi hỏi sự chung tay góp sức của toàn thể chính quyền và người dân địa phương. Tôi mong rằng, Lâm Đồng sẽ gặt hái được nhiều thành công trong tương lai và trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách trong và ngoài nước. Điều quan trọng là cấp ủy, chính quyền phải kiên trì, quyết tâm thực hiện, tránh kiểu làm theo phong trào, quy hoạch một đằng, làm một nẻo. Quy hoạch phải thực sự đi vào cuộc sống, mở ra cơ hội phát triển, hiện thực hóa quyết tâm của các địa phương hòa cùng mục tiêu phát triển đất nước.

Tại Hội nghị công bố quy hoạch diễn ra hôm 23/6, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học cũng khẳng định: Công bố Quy hoạch chỉ là bước đầu, còn nhiều việc phải tiếp tục suy nghĩ và hành động quyết liệt để biến những ý tưởng quy hoạch thành hiện thực, biến ước mơ thành hành động, để nội dung quy hoạch trên trang giấy và những hình ảnh tươi đẹp trên video clip đi vào cuộc sống. Ông cũng khẳng định, thời gian tới, tỉnh sẽ giám sát thực hiện quy hoạch, tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện quy hoạch nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quy hoạch.

Cũng tại Hội nghị công bố quy hoạch, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu tỉnh ghi nhớ 8 chữ trong quá trình triển khai quy hoạch: “Tuân thủ; Linh hoạt; Đồng bộ và Thấu hiểu”.

Trong đó, tuân thủ là để đảm bảo đúng hướng, không chệch hướng, đảm bảo sự phát triển bền vững của vùng này trong tương lai.
Linh hoạt - cần linh hoạt trong cách làm. Bởi theo Phó Thủ tướng, để đạt được mục tiêu có nhiều cách. Ngay cả những mục tiêu không có giá trị cốt lõi thì tỉnh cũng hoàn toàn có thể được quyền đề nghị điều chỉnh, bởi vì câu chuyện của ngày mai nói đã khó, còn đây là câu chuyện của 6 năm sau và tầm nhìn đến 26 năm sau, chắc chắn sẽ có nhiều cái khác.

Đồng bộ - theo Phó Thủ tướng, ngoài quy hoạch của ngày hôm nay thì tỉnh còn phải dựa theo nhiều quy hoạch khác nữa như quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch nhỏ hơn… Vì vậy, nếu không có sự đồng bộ thì tỉnh sẽ không làm được gì cả và lãnh đạo cũng không biết phương hướng nào để điều hành.

Thấu hiểu - là những người có trách nhiệm phải thấu hiểu để làm, người dân và doanh nghiệp cũng cần thấu hiểu để đồng hành với chính quyền. Có như vậy quy hoạch mới được thực hiện thành công.

Nguồn: Báo Lâm Đồng

https://baolamdong.vn/kinh-te/202407/quy-hoach-lam-ong-den-nam-2030-tro-thanh-noi-dang-den-dang-song-5a31156/

Top