Cơ hội phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng

Nghị định số 91/2024/NĐ-CP, ngày 18/7, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp. Theo đó, Điều 14, Điều 15, Điều 23, Điều 24 và một số điều khác của Nghị định số 91/2024/NĐ-CP, tạo điều kiện “mở” về trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng…

Bàu Sấu - vùng đất ngập nước trong Vườn Quốc gia Cát Tiên được công nhận vào danh sách Ramsar có vai trò quan trọng trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam

Một trong những điểm mới của Nghị định là việc sửa đổi, bổ sung Điều 14 về trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng. Theo đó, chủ rừng tổ chức lập đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí phù hợp với phương án quản lý rừng bền vững được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời, nêu rõ vị trí, địa điểm, quy mô, vật liệu, chiều cao, mật độ, tỷ lệ dự kiến và thời gian tồn tại của công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tùy thuộc vào hiện trạng rừng từng khu vực, bảo đảm chức năng của khu rừng.

Ngoài các giải pháp bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường; phòng cháy, chữa cháy như yêu cầu trước đây, chủ rừng phải chỉ rõ giải pháp về vốn, nguồn lực đầu tư, phương thức tổ chức du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và giá cho thuê môi trường rừng. Bên cạnh đó, kinh phí lập đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí được cân đối trong kế hoạch tài chính hằng năm, từ nguồn thu dịch vụ môi trường rừng của chủ rừng hoặc từ nguồn tài chính hợp pháp khác…

Rừng mai anh đào cổ thụ trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang

Theo Khoản 6, điều 14 Nghị định số 91, chủ rừng được phép cho tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng đặc dụng thông qua hợp đồng cho thuê môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí. Việc lựa chọn tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng cần nêu thông tin chung về chủ rừng; vị trí, diện tích, địa điểm cho thuê môi trường rừng và phương thức dự kiến tổ chức dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; tóm tắt đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; hồ sơ kỹ thuật và thời gian, địa chỉ nộp hồ sơ.

Tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng thì không phải thực hiện chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Thời gian thuê môi trường rừng không quá 30 năm, định kỳ 5 năm đánh giá việc thực hiện hợp đồng, hết thời gian cho thuê, nếu bên thuê thực hiện đúng hợp đồng và có nhu cầu gia hạn thì chủ rừng xem xét kéo dài thời gian cho thuê không quá 2/3 thời gian thuê lần đầu. Trước khi ký hợp đồng cho thuê môi trường rừng, chủ rừng phải thực hiện kiểm kê, thống kê hiện trạng rừng theo trạng thái trên diện tích cho thuê môi trường rừng để làm căn cứ bàn giao mốc giới, hiện trạng và quản lý, giám sát, đánh giá việc thực hiện hợp đồng…

Chủ rừng hoặc tổ chức, cá nhân đã được lựa chọn, ký hợp đồng cho thuê môi trường rừng tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí bảo đảm phù hợp quy hoạch lâm nghiệp quốc gia hoặc quy hoạch tỉnh được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; phương án quản lý rừng bền vững và đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 15 về Quản lý xây dựng công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, yêu cầu: Công trình xây dựng phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng phải tuân thủ: Không ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, không chặt phá rừng; các công trình xây dựng phải dựa vào thiên nhiên, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, khuyến khích sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường; không làm mất quyền sở hữu của Nhà nước về rừng, tài nguyên thiên nhiên trên mặt đất và dưới lòng đất; không làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử - văn hóa; chủ dự án chịu trách nhiệm bảo vệ, bảo tồn, phát triển tài nguyên rừng trên diện tích tổ chức hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; chịu sự hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của chủ rừng...

Nguồn: Báo Lâm Đồng

https://baolamdong.vn/du-lich/202407/co-hoi-phat-trien-du-lich-sinh-thai-nghi-duong-giai-tri-trong-rung-dac-dung-1822fe0/

Top