Bảo tồn và phát triển nguồn gen giống rau, hoa Đà Lạt

Những bước đột phá trong công tác chọn giống cây trồng và kỹ thuật thâm canh nông nghiệp đã làm cho các giống địa phương bị thay thế nhanh chóng bởi các giống lai, giống mới thuần chủng cho năng suất cao, nhiều giống cây trồng bản địa không còn tồn tại trong sản xuất, quỹ gen đang bị xói mòn. Vì vậy, việc thu thập, bảo tồn những nguồn gen quý để phục vụ chọn tạo giống cây trồng và duy trì sự đa dạng sinh học trong nông nghiệp là rất quan trọng.

Vườn cà chua thực nghiệm giống mới


Đóng chân ở vùng rau, hoa Đà Lạt, những năm qua, Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa (thuộc Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam) đã nỗ lực thu thập, lưu giữ, bảo tồn, khai thác nguồn gen các giống rau, hoa của địa phương, cung cấp nguồn nguyên liệu quý cho quá trình lai tạo, chọn ra nhiều giống rau, hoa mới chất lượng cao cung cấp cho sản xuất nông nghiệp, góp phần không nhỏ vào sự phát triển ngân hàng gen quốc gia và sự phát triển của nông nghiệp Lâm Đồng. Chỉ trong 5 năm vừa qua, Trung tâm đã lưu trữ, bảo tồn tốt nguồn gen 150 giống khoai tây, 30 giống và 1.000 dòng khoai lang, 46 giống dâu tây, 200 giống hoa cắt cành các loại (cúc, cẩm chướng, đồng tiền, lay ơn…), 50 giống cà chua, 50 giống rau các loại (súp lơ, xà lách, cà rốt, đậu Hà Lan…).

Các nguồn gen khoai tây, khoai lang, dâu tây, hoa cắt cành được lưu giữ bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật trên môi trường nền, trong ống nghiệm đảm bảo sức sinh trưởng tốt. Các nguồn gen cà rốt, cà chua và rau ăn lá được lưu giữ bằng hạt trong kho lạnh theo tiêu chuẩn lưu giữ ngân hàng gen cho tài nguyên di truyền thực vật, số lượng trên 1.000-5.000 hạt/giống và được lưu trữ trong điều kiện tốt nhất nhằm đảm bảo các nguồn gen không bị hư hỏng và biến đổi về mặt di truyền.

Cùng với việc lưu trữ, bảo tồn, Trung tâm luôn quan tâm nỗ lực trong việc đánh giá nguồn gen, có trên 100 nguồn gen các giống rau, hoa được đánh giá ban đầu và đánh giá chi tiết. Đánh giá ban đầu chủ yếu tập trung vào mô tả đặc điểm hình thái nông sinh học hoàn thiện cơ sở dữ liệu nguồn gen. Đã có trên 70 lượt mẫu nguồn gen được nhân giống và mô tả đặc điểm hình thái nông sinh học. Đánh giá chi tiết nguồn gen được tập trung vào đánh giá chất lượng, chịu hạn, chịu mặn, tính kháng sâu bệnh và đa dạng di truyền với trên 30 lượt mẫu nguồn gen được đánh giá. Qua đó cung cấp thông tin về nguồn gen phục vụ công tác nghiên cứu, lai tạo, chọn giống cây trồng mới có chất lượng tốt và phù hợp nhất với sản xuất.

Các nguồn gen có tính trạng tốt như: Năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng kháng bệnh, thời gian sinh trưởng ngắn, ra hoa, đậu quả tốt trong điều kiện khí hậu Lâm Đồng - Đà Lạt đã được sử dụng làm bố mẹ phục vụ cho công tác lai tạo, chọn giống của Trung tâm. Cụ thể trong giai đoạn 2020-2024, Trung tâm đã sử dụng hơn 100 lượt mẫu rau, hoa các loại phục vụ cho công tác lai tạo, chọn lọc giống; kết quả được hơn 500 tổ hợp lai rau, hoa phục vụ cho việc khảo nghiệm, đánh giá và chọn tạo giống mới. Nhiều giống rau, hoa cho khai thác tốt đã được chuyển giao cho nông dân sản xuất đại trà không chỉ ở Lâm Đồng mà ở các vùng chuyên canh trên khắp cả nước như các giống khoai tây PO3, Atlantic, 07, TK15.08; các giống dâu tây như CTP-A, New Zealand, Mỹ thơm, PS8.7, PS8.10, Sky, Hana; các giống khoai lang Kago-TN1; các giống hoa cúc như Đóa vàng, C10, C11, C191, C194, C195; giống hoa cẩm chướng D191… Các bộ giống đưa vào sản xuất được đánh giá có năng suất cao, phẩm chất tốt, phù hợp với điều kiện tự nhiên và được thị trường ưa chuộng.

Bên cạnh đó, Trung tâm đã cấp phát cho các trang trại, hộ nông dân sản xuất trên địa bàn Lâm Đồng và các vùng lân cận hơn 5 triệu lượt mẫu nguồn gen khoai tây, trên 250 ngàn lượt mẫu nguồn gen dâu tây, trên 2 triệu lượt mẫu nguồn gen khoai lang, trên 15 triệu mẫu nguồn gen hoa cắt cành, hơn 3 triệu lượt mẫu nguồn gen rau ăn lá các loại nhằm nhân giống phục tráng để bảo tồn các nguồn gen có hiện tượng suy thoái do tuổi cây đã già và nhân giống phục vụ phát triển sản xuất. Các mẫu giống được cấp phát được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, nhu cầu sử dụng tăng lên từng năm, năm sau cao hơn năm trước. Qua đó cho thấy hiệu quả mang lại từ các nguồn gen rất lớn, ngoài phục vụ sản xuất trực tiếp cho bà con, các mẫu nguồn gen còn được dùng lai tạo để chọn lọc ra những giống mới có triển vọng hơn.

Hiện nay, Trung tâm vẫn đang tích cực sử dụng nguồn vật liệu là nguồn gen các giống đang lưu giữ để lai tạo cho ra những giống mới có tính trạng ưu việt, để triển khai các giống có chất lượng tốt cho bà con nông dân trên quy mô ngày càng rộng hơn. Mỗi năm, Trung tâm đã sản xuất và cung ứng cho nông dân Lâm Đồng và cả nước hơn 10 triệu cây giống hoa cúc, 300 ngàn cây giống dâu tây, 200 ngàn cây giống khoai lang, 1 triệu cây giống khoai tây sạch bệnh cho sản xuất.

Không dừng lại ở đó, Trung tâm coi phát triển nguồn gen là một nhiệm vụ quan trọng nên không ngừng bổ sung vào ngân hàng gen cây trồng những nguồn gen quý. Ngoài thu thập nguồn gen, Trung tâm đã chủ động lai tạo, chọn giống rau, hoa mới có năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng kháng sâu bệnh. Hàng năm, Trung tâm tổ chức lai tạo 30-50 tổ hợp lai/loại giống, sau đó thực hiện các phương pháp chọn lọc chu kỳ 1, chu kỳ 2, đánh giá khả năng kết hợp chung, kết hợp riêng, phân tích ưu thế lai, tiến hành khảo nghiệm diện hẹp, diện rộng và xây dựng quy trình sản xuất cho các giống mới theo Luật Trồng trọt.

TS.Nguyễn Thế Nhuận - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa cho biết: Trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục quan tâm đặc biệt đến công tác thu thập, lưu giữ, bảo tồn và khai thác, phát triển nguồn gen rau, hoa; nghiên cứu, áp dụng các công nghệ mới trong lưu trữ, bảo tồn, khai thác nguồn gen, công nghệ sản xuất giống tiên tiến; tăng cường nghiên cứu sử dụng các nguồn gen quý làm nguyên liệu lai tạo để chọn ra các giống rau, hoa mới cho năng suất, chất lượng phù hợp với thị trường trong và ngoài nước, góp phần giảm tình trạng phụ thuộc vào các giống rau, hoa đang nhập nội.  

Nguồn: Báo Lâm Đồng

https://baolamdong.vn/kinh-te/202411/bao-ton-va-phat-trien-nguon-gen-giong-rau-hoa-da-lat-5892bd1/

Top