Tìm ý tưởng quy hoạch chung Đà Lạt tương lai

Ngày 30/7, tại Đà Lạt, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Tìm ý tưởng quy hoạch chung thành phố Đà Lạt đến năm 2030 và tầm nhìn 2050” với sự tham gia của lãnh đạo Bộ xây dựng, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Lâm Đồng, T.p Đà Lạt và nhiều kiến trúc sư, các học giả, nhà khoa học nổi tiếng.

Với mục tiêu xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành đô thị hiện đại, thân thiện với môi trường. 14 tham luận và nhiều ý kiến phát biểu tại hội nghị của các kiến trúc sư nổi tiếng, có nhiều kinh nghiệm trong quy hoạch đã đưa ra một bức tranh hoàn toàn mới về đô thị Đà Lạt trong tương lai. Theo đó, Đà Lạt đến năm 2030 và xa hơn nữa là năm 2050 được đề nghị mở rộng lên hơn 3000 km về không gian trong vùng có độ cao từ 800 mét đến hơn 1.500 mét so với mực nước biển, với độ dốc từ Bắc xuống Nam (vùng Langbiang, Liên Khương, Phinôm, Thạnh Mỹ, Lâm Hà…) hình thành nên các cao nguyên và thung lũng với cảnh quan đặc trưng là rừng núi và hồ. Việc hình thành các đô thị vệ tinh nhằm chia sẻ các chức năng và giảm áp lực cho đô thị trung tâm là Đà Lạt và phát triển Đà Lạt thành đô thị mang những nét đặc trưng về di sản.

“Trong quy hoạch mở rộng, bài toán khó nhất là bài toán cân bằng sự phát triển tiếp nối Đà Lạt - thành phố di sản với phát triển Đà Lạt thành thành phố bình thường nhưng phát triển mạnh. Bảo tồn Đà Lạt mà biến những điểm này điểm kia thành di tích là sai lầm. Không di tích hoá mà phải bảo tồn trong tổng thể của một đô thị và nối mạch được giữa cái mới và cái cũ…” – là ý kiến góp ý của kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính.

Ý tưởng này nhận được sự đồng tình của nhiều kiến trúc sư khác. Kiến trúc sư Thierry Hauau – Trưởng nhóm chuyên gia Pháp về ý tưởng quy hoạch chung thành phố Đà Lạt cũng đề xuất phát triển Đà Lạt dựa trên những đô thị vệ tinh, tạo luồng dân cư mới và cài đặt vào đó những khu du lịch hài hoà có kiểm soát và giới hạn để giải phóng sức ép cho Đà Lạt. Theo ông: “Đà Lạt có tất cả những nét đặc thù cần thiết của một thành phố có sức hấp dẫn với du khách. Nhưng muốn phát triển tốt và mạnh trong tương lai thì cần quan tâm đến 3 yếu tố chính đó  là: hài hoà giữa thiên nhiên và môi trường, có hệ thống công viên xanh gắn kết hợp lý với lịch sử, văn hoá và phải mang trong lòng một sự phát triển năng động có sức hấp dẫn”.

Các kiến trúc sư cũng đề xuất ý tưởng phát triển những đô thị vệ tinh với những chức năng đặc thù riêng như có thể quy hoạch khu vực Liên Khương thành một đô thị dân cư hiện đại, khu du lịch sinh thái ở Lâm Hà, làng nghề ở Lạc Dương, khu phát triển nông nghiệp… Riêng đô thị trung tâm Đà Lạt thì phải bảo tồn được khí hậu, thêm nhiều công viên xanh, hướng sự chuyển đổi dần ngành nông nghiệp công nghệ cao của Đà Lạt với rất nhiều nhà kính hiện nay sang nền nông nghiệp đô thị hợp lý (như thay thế nhà kính bằng nhà lưới để tránh hiện tượng nóng lên của khí hậu), tôn tạo kiến trúc đặc trưng để Đà Lạt toát lên vẻ đẹp riêng của nó nhằm nâng cao giá trị di sản. Các kiến trúc sư cũng đề xuất nên giới hạn dân số cho đô thị trung tâm, chỉ nên dừng lại ở mức 200 ngàn dân. Kiến trúc của đô thị trung tâm cũng nên có những quy chuẩn, quy định rõ ràng, tránh những “kiến trúc mạnh” làm phá vỡ cảnh quan.

Cùng ý tưởng với các kiến trúc sư về quy hoạch chung Đà Lạt trở thành thành phố trong rừng, rừng trong thành phố với các đô thị vệ tinh để giải thoát gánh nặng về đô thị hoá và dân số cho Đà Lạt trung tâm, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn – người đã từng có thời gian theo cha là cố kiến trúc sư tài năng Ngô Viết Thụ vào những năm 80 giúp quy hoạch Đà Lạt, đề xuất “Chính phủ nên có một bộ tiêu chí riêng cho đô thị loại 1 là những đô thị du lịch như Đà Lạt chứ nếu theo bộ tiêu chí của đô thị loại 1 hiện nay thì sẽ là thách thức lớn đe doạ đến đặc trưng riêng quý báu của Đà Lạt”. Ông cho rằng, quy hoạch chung Đà Lạt theo hướng thành phố trong rừng, rừng trong thành phố là đúng nhưng để đạt được điều này nên bắt đầu quy hoạch từ không gian xanh, sau đó mới đến quy hoạch giao thông và nhà cửa. Theo ông thì Đà Lạt trung tâm nên giảm công trình và giới hạn xây nhà cao tầng theo từng vị trí và chỉ nên tối đa là 9 tầng. “Có một số thành phố lớn của nước ngoài cũng giới hạn nhà cao tầng nhưng họ vẫn phát triển mạnh. Theo tôi, ở trung tâm thành phố hiện nay cần thiết thì cũng chỉ cho xây một vài nhà cao tầng nhưng cũng chỉ nên tối đa 7 tầng. Một số vị trí đặc biệt khác quy hoạch khách sạn chẳng hạn thì cũng chỉ nên cho xây cao nhất là 9 tầng.” Và ông cũng đưa ra những minh hoạ cụ thể là mô hình quy hoạch của một số thành phố lớn và nổi tiếng ở Mỹ và châu Âu như Washinhton DC (Mỹ), Paris (Pháp) và Lausanne (thành phố lớn thứ 5 của Thuỵ Sỹ) với những đặc thù gần giống Đà Lạt. Cuối cùng, ông đề xuất phương án: “Đà Lạt nên được quy hoạch đan xen theo kiểu cài răng lược với cây xanh”.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng, thì được sự đồng ý của Chính phủ, Lâm Đồng hiện đã thuê một nhóm kiến trúc sư tài năng của Pháp để xây dựng Đề án quy hoạch chung Đà Lạt đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050.

Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến – UVTW Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: “Cần nhìn nhận các đặc trưng, bản sắc, điều kiện tự nhiên là đặc thù rất riêng của Đà Lạt. Không gian phát triển đô thị Đà Lạt không chỉ giới hạn ranh giới hành chính hiện nay nữa mà đã được Thủ tướng phê duyệt mở rộng ra các huyện xung quanh. Xác định mục tiêu xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành một đô thị hiện đại, văn minh, tiếp thu xu hướng đô thị xanh, một đô thị có tính đặc thù về du lịch sinh thái rừng, một đô thị mang tầm quốc gia và có ý nghĩa quốc tế cùng với nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt. Hội thảo này nhằm tiếp thu những tri thức, kinh nghiệm của các nước tiên tiến, nhằm tìm kiếm các ý tưởng, sự hiến kế phù hợp, đa dạng trong từng lĩnh vực chuyên sâu từ các chuyên gia, tư vấn, nhà quản lý và mọi thành phần trong xã hội. Hội thảo sẽ là tiền đề cho công tác quy hoạch sắp tới, là cơ sở khoa học trong việc lựa chọn hướng phát triển cho thành phố Đà Lạt trong tương lai.”

Thierry Hauau – Trưởng nhóm chuyên gia Pháp về ý tưởng quy hoạch chung thành phố Đà Lạt: “Vấn đề khí hậu vô cùng quan trọng vì nó mang tính mềm yếu về môi trường. Dưới sức ép phát triển theo hướng Bắc – Nam, hiện Đà Lạt đã xuất hiện những điểm quá tải. Việc phân bố dân cư không đồng đều đặt ra những dấu hỏi về sự quy hoạch không hài hoà. Hai tác nhân gây tác động đến hiện trạng hiện nay chính là sự đô thị hoá và canh tác nông nghiệp. Những cánh rừng xung quanh Đà Lạt cũng đã có dấu hiệu bị những hoạt động nông nghiệp ăn mòn dần. Vì vậy, câu hỏi lớn nhất khi đưa ra quy hoạch chung cho Đà Lạt là giảm sức ép cho đô thị trung tâm, xây dựng Đà Lạt trong một tổng thể hài hoà và phát triển với sức cạnh tranh cao. Tôi đề xuất ý tưởng quy hoạch Đà Lạt theo hình nón tỏa ra các hướng, tạo tầm nhìn ra phía đồi xanh, tập trung Đà Lạt vào một ví trí có góc nhìn hình nón ấy với sự tiếp nối lịch sử một cách hài hoà.

Nguồn :báo Lâm Đồng

Top